00:00 Số lượt truy cập: 2988765

Lạng Sơn phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn cơ cấu lại ngành nông nghiệp 

Được đăng : 15/09/2020
Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Lạng Sơn là tập trung phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ; Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Đây là xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

lang-son

 Mô hình hoa ly trong nhà lưới cho năng suất cao tại Lạng Sơn

Nhận thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, công nghệ khí canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm nông sản đã được đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 sản phẩm nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhiều sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; nhận thức, tư duy của nhân dân về đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng hàng hóa được nâng cao.

Tỉnh đã xây dựng và phát huy hiệu quả vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó tích cực giúp đỡ doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn được chú trọng, hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương. Hiện tỉnh Lạng Sơn có 8 vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Sản lượng lương thực của tỉnh hàng năm đạt trên 310.000 tấn.Trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án nông nghiệp điển hình đi vào sản xuất, kinh doanh như: xưởng chế biến và sản xuất các sản phẩm từ hoa hồi tại huyện Hữu Lũng; Dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn; Dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt của Công ty CP Tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông...

Trong giai đoạn 2012 – 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã triển khai nhiều đề tài, dự án công nghệ cao nhằm phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Sở đã thực hiện 31 đề tài, dự án chú trọng vào áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Trong đó, công nghệ nuôi cấy mô tế bào một trong những nghiên cứu khoa học của Lạng Sơn đã được áp dụng nhiều trong thực tiễn. Nhân giống một số cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã tạo ra cây giống chất lượng tốt, chủ động được trong khâu sản xuất như: nhân giống gừng đá Zingiber zrumbet Sm; nhân giống chuối tiêu hồng; nhân giống khoai môn đồng thời xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng sa nhân tím; xây dựng mô hình sản xuất cây lan kim tuyến theo hướng hàng hóa...

Để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, xây dựng Đề án Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống dịch vụ nông nghiệp, Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030...

Lan Phương