Người dân vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Theo đó, từ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cơ bản hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về: giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông…Năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh đạt 4% trở lên. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6,9%/năm trở lên; giảm trên 2.000 hộ cận nghèo. Hoàn thành tiêu chí hộ nghèo về nông thôn mới từ 10 xã trở lên; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Nhằm quyết tâm sớm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, các nhiệm vụ được cụ thể hóa để chính quyền và nhân dân cùng thực hiện như: Nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; Tiếp tục đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp chỉ đạo phù hợp; Khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; Nghiên cứu xây dựng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Về tiêu chí việc làm, tỉnh chú trọng việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động phù hợp với cơ cấu giới, độ tuổi, nhất là lao động nhàn rỗi ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho trên 11.500 người, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp: 4.500 người; sơ cấp và dưới 3 tháng: 7.000 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên đạt khoảng 67,7%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29,3%. Xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu, tổ chức đưa người lao động đi làm việc trong nước và xuất khẩu lao động đáp ứng nhu cầu tìm việc của người dân và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước. Tổ chức khoảng 70 phiên giao dịch, thu hút trên 200 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động, khoảng 20.000 lượt lao động tham gia nghe tuyên truyền, tư vấn việc làm; trong đó tổ chức ít nhất 20 phiên giao dịch việc làm tại các xã vùng lõi nghèo theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Với các dịch vụ xã hội cơ bản như về giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở cho hộ nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường; thông tin - truyền thông, Tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo sâu sát, đồng thời phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp chính quyền cơ sở cùng như toàn dân trong tỉnh nghiêm túc thực hiện. Tính riêng năm 2022, trên 142.000 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, ở; thực hiện cử tuyển, bố trí việc làm theo các chính sách của Chính phủ, tổng kinh phí hỗ trợ trên 35 tỷ đồng; 100% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; Trong năm, xây dựng mới và sửa chữa trên 300 nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%, nước sạch đạt 41%…Hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản góp phần giảm 9.767 hộ nghèo, tương đương 5,83%, vượt kế hoạch đề ra
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững luôn được lãnh đạo và chính quyền các cấp trong tỉnh coi trọng. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua giảm nghèo. Kịp thời khen thưởng, biểu dương và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong giảm nghèo và thực hiện công tác giảm nghèo. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là dòng họ, xóm làng cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ trong cuộc sống và trong lao động, sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Ánh Dương