Đó là ông Tống Đức Thân - hội viên nông dân thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Với mô hình nuôi cá chạch sụn đã đem lại cho gia đình ông lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Vốn là hộ gia đình lấy việc nuôi cá theo hướng truyền thống làm kế sinh nhai nhưng hiệu quả kinh tế không cao do đầu ra khó khăn nên gia đình ông chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt. Quyết tâm thay đổi hướng làm kinh tế tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Đầu năm 2018, qua các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu về việc nuôi cá chạch sụn cho hiệu quả kinh tế cao ông Thân quyết tâm chuyển đổi các ruộng lúa ở vùng đất trũng kém hiệu quả của gia đình sang nuôi cá chạch sụn.
Nghĩ là làm, Tháng 9 năm 2018, ông bắt tay vào đào ao và thả chạch sụn giống trong 2 ao nuôi có diện tích 4400 m2 và 1 ao chứa nước có diện tích 1 ha. Để học hỏi kinh nghiệm cũng như có thêm kiến thức thực tế để đảm bảo cho việc nuôi, ông Thân đã tìm đến các địa phương có nhiều hộ gia đình thành công trong việc nuôi chạch sụn như Yên Thắng (Yên Mô, Ninh Bình), Nghĩa Hưng (Nam Định) để học hỏi.
Khi được hỏi tại sao lại chọn chạch sụn làm hướng phát triển ông Thân cho biết: “Cá chạch sụn tương đối dễ nuôi, kỹ thuật không quá khó, chỉ cần chú ý xử lý nguồn nước để phòng tránh dịch bệnh. Ưu điểm lớn nhất của loại cá này là tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Khác với đặc tính của cá chạch ta là sinh sống dưới bùn, chạch sụn lại nổi lên mặt nước nên khá thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh”. Nói là vậy nhưng những ngày đầu nuôi chạch, gia đình ông cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Để đảm bảo nguồn nước sạch, không dịch bệnh, ông đã dành nguyên 1 ao xây thành bể lắng. Nước lấy từ kênh cấp 1 của xã được đưa vào bể lắng trước khi dẫn vào ao nuôi. Ao đào sâu từ 80-100cm, đồng thời xử lý môi trường nền ao, nước triệt để bằng chế phẩm sinh học trước khi xuống giống. Do đặc tính ăn nổi, phàm ăn nên trong quá trình nuôi chạch sụn ông luôn chú ý cho ăn đúng giờ, nếu thấy cá có biểu hiện ăn kém thì phải kiểm tra ngay xem xét tìm nguyên nhân để xử lý kịp thời bằng cách thay nước hoặc dẫn thuốc đặc trị xuống ao. Ngoài ra, ông còn chú ý về điều kiện nguồn nước, chất đất, lượng nước, lượng thức ăn phù hợp vào từng giai đoạn sinh trưởng của cá, tránh thức ăn dư thừa làm thay đổi môi trường ao nuôi. Thời gian cho ăn thông thường từ 1-2 lần/ngày nhưng do cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên ông thường cho ăn vào chiều tối là chủ yếu. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật và có sự đầu tư chăm sóc tốt nên trong các vụ nuôi, cá chạch sụn của gia đình ông Thân đều tăng trưởng ổn định và đạt năng suất cao vượt trội.
Sau 4 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 50 – 70 gram/con (14 – 20 con/kg). Sản lượng cá thu hoạch đạt 5,5 tấn, giá bán từ 80.000 – 100.000đồng/kg, doanh thu 430 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí 120 triệu đồng gồm mua giống, thức ăn công nghiệp, thuốc thú y thủy sản… ông thu được 310 triệu đồng/1,5 ha/4 tháng nuôi.
Cá thu hoạch đến đâu, thương lái đặt mua hết đến đó, gia đình ông mở rộng diện tích nuôi cá chạch sụn lên 04 ha, đồng thời cung ứng giống cho một số hộ nuôi tại địa phương có nhu cầu nuôi thử nghiệm.
Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, Mô hình nuôi cá chạch theo phương pháp công nghiệp của ông Thân là điển hình cho các hộ chuyển đổi sản xuất của xã Quỳnh Lưu tham khảo để nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân./.
Lê Bích