00:00 Số lượt truy cập: 2986663

Lão nông trở thành nông dân xuất sắc nhờ không ngừng học hỏi 

Được đăng : 27/07/2023
Là một trong số ít người mở màn cho phong trào nuôi tôm biển của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ông Lê Văn Sấm đã trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 với lợi nhuận thu được cao nhất, khoảng 50 tỷ đồng.

sam1

Ông Lê Văn Sấm đang kiểm tra tôm trong các ao nuôi công nghệ cao của mình 

Nghề nuôi tôm ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bắt đầu nở rộ từ những năm 2000 nhưng hiệu quả chưa cao do người nuôi thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Năm 2006, khi vừa nghỉ hưu, ông Sấm bắt đầu nuôi tôm theo cách truyền thống. Ban đầu ông nuôi tôm thẻ chân trắng và may mắn có những bước khởi đầu khá thuận lợi khi trúng liên tục nhiều vụ tôm.

Tuy nhiên, giai đoạn 2012 - 2015, ông gặp thất bại do lúc này phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, việc xử lý ao nuôi, nước thải chưa được chú trọng nên gây ô nhiễm môi trường nuôi, ông liên tiếp đối mặt với những vụ mùa tay trắng. Không chịu khuất phục, sự quyết tâm bền bỉ đã vực người nông dân này dậy và tiếp tục con đường làm giàu từ nuôi tôm theo một hướng đi mới. Tiếp cận mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam giới thiệu, ông cùng một số người dân xung quanh khăn gói lên đường tới miền đất mũi Cà Mau xa xôi để tìm hiểu.

Sau chuyến tham quan thực tế, được tận mắt chứng kiến thành công từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trở về khu nuôi của mình, ông quyết định đầu tư thử nghiệm 2 ao ứng dụng mô hình hiện đại này. Sau vụ đầu tiên, kết quả ngoài mong đợi, tuy 2 ao nuôi chỉ có tổng diện tích 0,2 ha nhưng sản lượng thu hoạch lên tới gần 18 tấn tôm (năng suất tương đương 9 tấn/ha).

Vốn dĩ, ao nuôi truyền thống là ao lớn, đáy đất và chỉ có một ao nuôi tôm từ nhỏ đến khi thu hoạch. Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là xây dựng khu nuôi, gồm: Ao nuôi tôm post (tôm ương), ao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; ao lắng… Mỗi ha có thể đầu tư 3 ao nuôi, 1 ao ương giống, chi phí đầu tư từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng. So với mô hình truyền thống, chi phí nuôi công nghệ cao sẽ cao hơn rất nhiều lần nhưng hiệu quả mang lại cao hơn, thu lãi về ngay từ vụ đầu tiên và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, người nuôi phải đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và các ao lắng. Đáy ao lót bạt, thay nước thường xuyên, tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển. Nguồn nước trước khi đưa vào ao hoặc thải ra đều phải qua xử lý. Đồng thời, tách ao theo các giai đoạn. Giai đoạn 1 là tôm post; giai đoạn 2 là sau 24 ngày, chuyển qua các ao nuôi; giai đoạn 3 là khi tôm đạt size dưới 100 con/kg sẽ tiếp tục chia nhỏ ra các ao thương phẩm…

Nếu áp dụng theo cách nuôi truyền thống, con tôm thẻ chân trắng khó đạt kích cỡ lớn, cao nhất chỉ đạt khoảng 50-60 con/kg, do đó giá tôm sẽ không cao. Ngoài ra, sản lượng tôm dễ bị hao hụt, do ảnh hưởng dịch bệnh từ ao nuôi. Với kinh nghiệm hơn 10 năm áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, ông bố trí các ao nuôi xoay chuyền, mỗi tháng đều có ao thu hoạch và thả mới, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, năng suất tôm tăng nhiều lần, điều này bù lỗ được thua lỗ nếu tôm rớt giá.

Chính sự ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, ông Lê Văn Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với diện tích nuôi trên 50 ha, sản lượng trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha, mỗi năm lượng tôm thịt ông Sấm bán ra thị trường trên 1.000 tấn. Trừ các chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm của ông đang giải quyết việc làm cho trên 110 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm. Hiện ông đã trở thành một trong những nông dân tỷ phú có diện tích nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất huyện Thạnh Phú nói riêng và cả ba huyện biển trong tỉnh Bến Tre nói chung.

Năm 2023, ông Sấm vinh dự góp mặt trong danh sách 100 nông dân Việt Nam xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh. Đây là kết quả vô cùng xứng đáng cho việc học hỏi không ngừng nghỉ và những nỗ lực bền bỉ của người nông dân Bến Tre thời đại mới.

Phương Anh