Bình Thuận nổi tiếng là thủ phủ thanh long, với diện tích hơn 30.000 ha, sản lượng gần một triệu tấn/năm. Nhận thức đây là cây trồng lợi thế, giúp nông dân giảm nghèo; nhiều hộ nhờ trồng thanh long đã thoát nghèo, vươn lên giàu có. Tuy nhiên tình hình tiêu thụ không ổn định, giá cả Thanh Long bấp bênh, sản xuất thanh long không theo quy hoạch, nấm bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc và các cơ sở thu mua thường xuyên ép giá. Trước tình hình đó, năm 2009 anh đã vận động hội viên, nông dân có trồng thanh long liên kết lại với nhau thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long Thuận Tiến, với 52 thành viên, diện tích sản xuất 69 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Được sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân xã Hàm Liêm, Tổ hợp tác sản xuất Thanh Long Thuận Tiến được cấp chứng nhậnVietGAP và đây cũng là chứng nhận VietGAP đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.
Đến đầu năm 2014, anh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã phía Nam xây dựng dự án Mutrap về chuỗi giá trị cho quả thanh long. Từ đó, thành viên của tổ hợp tác nhận thức được mô hình phát triển theo hướng bền vững và xác định mục tiêu đưa quả thanh long Bình Thuận nói chung và thanh long Thuận Tiến vào thị trường khó tính. Vào tháng 10/2016, anh tiếp tục vận động các thành viên trong tổ thành lập Hợp tác xã thanh Long Thuận Tiến với 11 thành viên và diện tích 24,1 ha, với vốn điều lệ 600 triệu đồng. Với sự đồng tình và nhất trí của Hội đồng thành viên, anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến. Mục tiêu của HTX hướng tới sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP; xây dựng thương hiệu trái Thanh Long cho Hợp tác xã. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ trái thanh long theo hướng an toàn và chinh phục thị trường khó tính.
Trong suốt hơn 03 năm hoạt động, Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến đã làm theo mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Fairtrade (Thương mại công bằng). Hợp tác xã thực hiện việc kinh doanh theo hình thức ủy thác sản phẩm cho thành viên hợp tác xã cũng như thành viên liên kết (HTX chỉ đứng giao dịch không mua bán như doanh nghiệp), bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sản phẩm đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Fairtrade... giá cả ổn định, thành viên an tâm sản xuất.
Vào đầu tháng 01 năm 2017, Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cùng với dự án Mutrap do Liên minh Hợp tác xã phía Nam chứng nhận 4 ha GlobalGAP. Đồng thời tham gia hội chợ quốc tế trái cây rau củ quả (Fruit Logistica 2017) diễn ra tại Trung tâm triển lãm Berlin, Cộng hòa liên bang Đức. Đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã Thanh Long Thuận Tiến đã được nhiều đơn vị xuất khẩu quan tâm và biết đến; đồng thời đã ký kết nhiều hợp đồng quan trọng với thị trường Châu Âu, Mỹ, Úc và các siêu thị trong nước... Hợp tác xã tiêu thụ hàng trăm tấn thanh long. Không chỉ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, Hợp tác xã còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân, trang trại và các Hợp tác xã liên kết (HTX Phú Thịnh, HTX Bắc Bình, HTX Thuận Hòa..).
Với những đóng góp của mình, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, anh Trung đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 90 Chi hội trưởng nông dân xuất sắc.
(Chung Anh)