Mối liên kết giữa hợp tác xã chăn nuôi và doanh nghiệp
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Thương mại, dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có hơn 100 thành viên là các hộ chuyên chăn nuôi heo. Các hộ thành viên của HTX được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ Công ty Becofood Đà Nẵng trong quy trình chăn nuôi như tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn heo, được cung cấp con giống và thức ăn với giá ưu đãi.
HTX Nhơn Khánh hiện đang nuôi hơn 300 heo nái và trên 4.300 heo thịt mỗi năm. Điểm nhấn trong mô hình liên kết của HTX Nhơn Khánh là sự ký kết hợp tác với Công ty Becofood Đà Nẵng để tiêu thụ heo thảo mộc. Sự hợp tác này không chỉ giúp HTX đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu.
Ảnh minh họa
Huyện Đơn Dương là địa phương nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với số lượng hơn 16.500 con. Trong đó, đàn bò sữa nuôi trong nông hộ khoảng 11.000 con, doanh nghiệp chăn nuôi hơn 4.500 con.
Những năm qua, nuôi bò sữa trở thành ngành chăn nuôi chủ lực của người dân huyện Đơn Dương. Đây là vật nuôi mang đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây, giúp đời sống được nâng cao.
Hiện nay, các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương đã ký kết hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu với các doanh nghiệp thu mua sữa hoặc thông qua HTX, tổ hợp tác đảm bảo đầu ra ổn định.
Bên cạnh liên kết ký hợp đồng thu mua, các trạm thu mua, HTX, tổ hợp tác còn phân phối thức ăn chăn nuôi bò sữa, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi cho các hộ.
Mối liên kết giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp
Bà Trần Thị Lệ ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định là một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của địa phương, mỗi năm xuất bán hơn 3.000 con heo thịt. Trong những năm qua, bà Lệ đã thành công trong việc liên kết với hơn 30 hộ chăn nuôi khác trong xã, với quy mô mỗi lứa nuôi lên đến 600 con heo thịt. Các hộ tham gia mối liên kết này được bà Lệ trả công 300.000đ cho mỗi con heo được nuôi gia công. Mối liên kết này đã mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ chăn nuôi tại địa phương.
Theo bà Lệ, toàn bộ heo thịt được bà xuất bán cho các thương lái tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh miền Trung. Các hộ tham gia liên kết với bà được hỗ trợ đầy đủ về quy trình chăm sóc, thức ăn, vacxin phòng bệnh… Nhờ sự liên kết chặt chẽ và giá heo duy trì ở mức cao trong thời gian vừa qua, các hộ chăn nuôi trong chuỗi liên kết này đều có lãi.
“Bên cạnh cơ sở chăn nuôi tại thôn Lương Lộc, tôi còn xây dựng một gia trại chăn nuôi heo hiện đại rộng 1.200m2 tại thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng). Tại gia trại này, mỗi lứa tôi thả nuôi 500 con heo thịt, trung bình 3-4 tháng xuất chuồng 1 lần”, bà Lệ cho hay.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đánh giá: Bình Định đã có nhiều công ty, doanh nghiệp hợp tác với người nông dân trong chăn nuôi như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam mỗi năm thực hiện liên kết gia công quy mô lớn với 60.000 con heo thịt và 100.000 con gà thịt; Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Bình Định thực hiện liên kết gia công 30.000 con heo thịt mỗi năm... Những mối liên kết này đã mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Với mô hình liên kết nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương được ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương nhận định: trên địa bàn huyện có 4 công ty thu mua sữa bò nguyên liệu gồm Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk), Công ty Friesland Campina VietNam (Cô gái Hà Lan), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Kim Phát (VPMilk).
Những công ty này tạo ra chuỗi liên kết thu mua sữa tươi của người dân và doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả rất lớn. Các chuỗi liên kết giúp đảm bảo đầu ra cho người dân trong việc chăn nuôi, tạo công ăn việc làm ổn định.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; Đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao năng suất, chất lượng sữa đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua, tăng giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện phát triển.
Nhật Anh