Trước đây, anh Đạo làm nghề lái xe, cuộc sống khá khó khăn. Tình cờ nhận chở một chuyến xe lươn thương phẩm từ miền tây về Sài Gòn; qua trao đổi với chủ hàng anh cảm thấy nghề nuôi lươn có vẻ phù hợp với bản thân. Từ đây, anh lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt, rồi tìm số điện thoại nhờ tư vấn kỹ thuật từ các chủ trang trại cung cấp giống.
Đầu năm 2019, anh bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi lươn với 3 bể, mỗi bể có diện tích 6 m2. Mới khởi nghiệp nên anh chỉ đặt mua 3.000 con lươn giống, cỡ 500 con/kg, giá mỗi con 4.000 đồng về thả nuôi trong 1 bể. Vừa nuôi, vừa học hỏi rút kinh nghiệm, sau hai tháng, đàn lươn phát triển tốt, anh phân cỡ và san ra nuôi trong 3 bể. Thấy lươn lớn nhanh, không hao hụt, anh quyết định mở rộng số lượng bể nuôi. Trên khoảng đất 120 m2, anh thiết kế khung sắt, lót bạt chia thành 22 bể nuôi. Mỗi bể có diện tích từ 3 - 6m2, có mái che bằng tôn. Bể nuôi làm bằng khung sắt lót bạt nên chi phí thấp hơn nhiều so với bể xây lót gạch men.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn, anh Đạo cho biết, nguồn nước nuôi lươn là nguồn nước ngầm, có pH ổn định quanh năm từ 7,2 – 7,5. Nước bơm vào bể lọc (có đá, cát và đá nâng pH), chảy vào bể lắng sau đó chuyển về các bể nuôi. Con giống mua từ các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang; biết rõ nguồn gốc, đúng cỡ, biết ăn thức ăn công nghiệp dạng viên. Giai đoạn đầu, ngày cho ăn 2 - 3 lần, thức ăn có độ đạm 45%. Khi lươn đạt cỡ 20 – 30 con/kg, ngày cho ăn 1 lần. Lúc này sử thức ăn có độ đạm 35%. Ngoài thức ăn, định kỳ sử dụng Vitamin C, men tiêu hóa và các loại khoáng để tăng sức đề kháng và ổn định đường ruột cho lươn. Khoảng 2 tháng cuối trước khi thu hoạch, sử dụng thức ăn viên Lái Thiêu (Bình Dương) – chuyên dùng cho cá trê vàng để tạo màu cho lươn. Để lươn phát triển tốt và không xảy ra dịch bệnh, thay nước 2 lần/ngày, một lần vào buổi sáng và một lần sau khi cho lươn ăn khoảng 1 giờ. Luôn giữ cho lươn ổn định nằm quần đàn trong giá thể. Khi lươn đạt cỡ 50 - 70 con/kg thì tiến hành phân cỡ, tách đàn để tránh lươn cắn nhau và cạnh tranh thức ăn.
Sau 4 năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm anh đã làm chủ được quy trình nuôi lươn theo phương pháp vệ sinh thay nước hàng ngày, không sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh mà chỉ sử dụng men vi sinh bổ sung để kích thích tiêu hóa cũng như tăng sức đề kháng cho lươn. Hiện đàn lươn trong các bể có khoảng 40.000 con đủ kích cỡ. Trong đó có khoảng 5 tấn lươn thương phẩm cỡ 3 – 4 con/kg đang cho thu hoạch. Anh nuôi thả theo kiểu cuốn chiếu chứ không thả cùng một lúc. Trong năm chia làm 5 lần thả giống, mỗi lần thả 10.000 con, nhờ thế cơ sở lúc nào cũng có lươn để bán.
Để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường, anh Đạo tham gia kết bạn với Hội nuôi lươn, nuôi lươn thương phẩm. Nhờ có mạng Internet, khi lươn đạt kích cỡ tiêu thụ, anh chỉ cần thông báo chia sẻ là có thương lái tìm tới tận nơi để thu mua, tiêu thụ. Thời gian này giá lươn thương phẩm ở mức thấp, chỉ khoảng 120.000 đồng/kg, so với trước đây có lúc lên đến 160.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, mỗi tấn lươn thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Một năm, thu được khoảng 10 tấn lươn thương phẩm, lợi nhuận tương đương 500 trăm triệu đồng.
Kiều Anh