00:00 Số lượt truy cập: 2988735

Long An phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững 

Được đăng : 25/09/2020
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai chương trình đột phá. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang có những chuyển biến tích cực, đã xuất hiện mô hình đạt hiệu quả cao, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

longangusr 

 Theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của tỉnh Long An, lúa, rau màu, cây thanh long và bò thịt là 4 loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn để thực hiện ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào các khâu chính, như giống, canh tác và sau thu hoạch.Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: 20.000ha sản xuất lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười (gồm các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành, 2.000ha rau màu tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo nông nghiệp CNC.

Đến nay, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An đạt thành tựu đáng khích lệ. Trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đã thành lập và củng cố được 151 THT, 43 HTX nông nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng 16 HTX điểm, trong đó có 4 HTX điểm điển hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Sự liên kết “4 nhà” được phát huy tối ưu, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của người dân tăng lên. Cụ thể, vùng lúa xây dựng được 22.320,8/20.000ha ứng dụng CNG trong sản xuất, đạt 111,6% kế hoạch chủ yếu áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 6 giảm, sử dụng giống chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như dùng máy cấy lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp….  Vùng trồng thanh long tại huyện Châu Thành với hơn 2.082ha (đạt 104,1% kế hoạch) chủ yếu ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành, tưới nước, ứng dụng đèn compact ánh sáng đỏ xử lý thanh long ra hoa trái vụ; vùng trồng rau an toàn thực hiện được hơn 1.476ha (đạt 73,8% kế hoạch) và vùng chăn nuôi bò thịt với hơn 4.000 con, thực hiện 4 mô hình điểm. Các sản phẩm đều bảo đảm đạt tiêu chuẩn cao, như: VietGAP, GlobalGAP. Qua triển khai, chương trình đã giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ sang hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, giúp cây lúa hạn chế đổ ngã, ít sâu, bệnh, giảm được chi phí sản xuất, công chăm sóc và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Như vậy, so với mục tiêu đầu nhiệm kỳ, Long An hoàn toàn có thể hoàn thành tốt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vào năm 2020.

Mặc dù chương trình đã đạt được những chỉ tiêu định lượng cụ thể nhưng chất lượng của các chỉ tiêu còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác xây dựng các HTX điểm, HTX điển hình, các HTX hầu hết đều chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, đời sống của các hộ thành viên. một số mô hình trình diễn sản xuất ứng dụng CNC đạt hiệu quả nhưng khi nhân rộng gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, một số THT, HTX nông nghiệp còn yếu về năng lực quản lý, khoa học kỹ thuật, tài chính, nhiều sản phẩm CNC chưa xây dựng được nhãn hiệu. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC còn ít, các doanh nghiệp chưa có nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong khâu sơ chế, chế biến để nâng cao năng suất sản xuất. Đầu ra của nông sản còn khá bấp bênh,...

Phát huy kết quả đã đạt trong Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô, điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.200ha; thanh long 6.000ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000ha rau; nuôi con tôm 100ha ứng dụng CNC.

Linh Chi