00:00 Số lượt truy cập: 3041636

Lục Ngạn phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng VietGAP, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững 

Được đăng : 15/12/2022
Để nâng cao giá trị và chất lượng, hơn 28.000 ha diện tích cây ăn quả tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đều tích cực phát triển theo hướng VietGPAP. Bên cạnh đó, để quảng bá sản phẩm, huyện Lục Ngạn còn chú trọng xúc tiến thượng mại và kết hợp các loại hình du lịch sinh thái.

anh-212 

Khách du lịch rất thích thú với vườn bưởi trồng theo quy trình VietGAP ở Lục Ngạn (Bắc Giang)

Lục Ngạn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đây là vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây thơm ngon nức tiếng như: vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh, táo, ổi...

Năm 2022, huyện Lục Ngạn có 5,1 nghìn ha cây có múi, gồm: Cam lòng vàng, cam ngọt; bưởi da xanh, bưởi ngọt... Để tăng năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP. Trong đó, cam, bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 2,2 nghìn ha, tăng 300 ha so năm 2021. Ước tổng sản lượng khoảng 52 nghìn tấn.

Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm; từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có sản phẩm vải thiều; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...

Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái quả tại vườn. Ngoài ra, nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc các loại cây ăn quả cho sản phẩm quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Chất lượng các sản phẩm cây ăn quả Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Điển hình trong mô hình phát triển cây ăn quả là gia đình ông Trần Đình Én (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) với diện tích gần 2 ha, gia đình ông đã quy hoạch chuyển đổi một số giống bưởi khác nhau như: bưởi Ngọt, bưởi Da xanh, bưởi Cát Quế. Nhờ được chăm sóc theo phương pháp VietGAP nên cho quả đạt chất lượng tốt. Năm 2022 dự kiến cho thu hoạch khoảng 6 vạn quả, với giá bán tính bình quân khoảng 20 nghìn đồng/quả tại vườn, thu nhập đạt 1,2 tỷ đồng. Cùng đó, với khoảng 10 tấn bưởi da xanh, giá 30 đến 50 nghìn đồng/1kg, vụ này ông Én ước thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Để tăng thu nhập từ vườn cây ăn quả, gia đình ông Én còn kết hợp đón khách đến tham quan vườn theo loại hình du lịch sinh thái. Kể từ đầu vụ đến nay, gia đình ông đã đón hơn 100 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm, đồng thời bán được lượng lớn bưởi tại vườn phục vụ khách mua về làm quà.

Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm, có nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn sản phẩm đặc trưng với du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn, trong 10 tháng đầu năm nay, Lục Ngạn thu hút hơn 170 nghìn lượt khách đến thăm quan trải nghiệm.

 anh-112

Huyện Lục Ngạn xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, huyện Lục Ngạn cũng đã đa dạng hóa các hình hình thức quảng bá. Năm 2022, thay vì tổ chức hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng như các năm trước, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức chương trình du lịch "Về miền quả ngọt Lục Ngạn", nhằm phối hợp, kết nối các dịch vụ du lịch miệt vườn, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Trong giai đoạn tới, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới tại các xã còn lại trên địa bàn. Mục tiêu chung của huyện sẽ là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2030.

                                                                                   Phạm Hưng