00:00 Số lượt truy cập: 2991566

Mai Sơn (Yên Mô – Ninh Bình): Hiệu quả Tổ hợp tác sản xuất nông sản 

Được đăng : 02/12/2017
Năm 2014, Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn ở xã Mai Sơn (huyện Yên Mô) được thành lập. Sự ra đời của Tổ hợp tác đã giúp những người nông dân hỗ trợ nhau mở rộng sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.

 bich1

 Ảnh: Buộc cành cà chua trên cánh đồng của các thành viên Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn.

Ông Tống Viết Lư, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ nông dân trong xã phải sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ, phân tán ở nhiều khu đồng, nên mất rất nhiều thời gian, chi phí trong sản xuất. Từ những bất cập trên, tôi đã vận động các hộ dân cùng dồn đổi ruộng cho nhau, tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, đáp ứng tốt nhu cầu liên kết, liên doanh tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2014, Tổ hợp tác sản xuất nông sản được thành lập với 13 thành viên và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và đề cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vì sự phát triển chung.

Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn là mô hình Tổ hợp tác sản xuất đa cây, gồm rau củ quả như ớt, cà chua, dưa bao tử... và cây ăn quả ngắn ngày như táo, ổi... có tổng diện tích 13 ha. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên trong Tổ hợp tác đã chú trọng ứng dụng công nghệ, đó là dùng phương pháp che phủ ni lông. Việc làm này giúp hạn chế cỏ dại, sâu bệnh và đặc biệt là bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường.

Vì vậy, đất đai luôn được giữ độ phì nhiêu, tốn ít phân bón, đảm bảo cho cây trồng có độ ẩm tốt. Không những thế, áp dụng phương pháp che phủ ni lông, các thành viên trong Tổ hợp tác còn trồng được cà chua và một số loại rau màu trái vụ, cho thu nhập cao hơn so với cây trồng chính vụ.

 

Ông Lê Văn Tài, thành viên của Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn cho biết: Khi tham gia Tổ hợp tác, chúng tôi được giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, hạn chế việc sản phẩm đầu ra bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, tham gia Tổ hợp tác các thành viên đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn, người nông dân cũng yên tâm sản xuất hơn.

Để hướng tới nền nông nghiệp sạch, các thành viên trong Tổ hợp tác chú trọng các khâu sản xuất an toàn từ chọn giống đến cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Theo đó, các hộ thành viên không dùng phân tươi để bón cho cây trồng mà dùng phân ải. Ngoài ra, các thành viên trong Tổ hợp tác còn duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát chéo để nâng cao tinh thần tự giác trong việc đảm bảo sản xuất sản phẩm sạch.

Qua gần 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn đã từng bước khẳng định hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt cho người nông dân. Năm 2016, Tổ hợp tác sản xuất khoảng 600 tấn rau, củ, quả, thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Do sản xuất theo hướng an toàn nên các mặt hàng nông sản của Tổ hợp tác đều được các thương lái đến thu mua, hoặc xuất bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm, siêu thị… Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, Tổ hợp tác còn giúp giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Thành công bước đầu của mô hình Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn đã cho thấy đây là hướng đi phù hợp nhằm tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Mô hình sản xuất này còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của người nông dân để hướng đến sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa-xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Bích Lê