00:00 Số lượt truy cập: 2988756

Mát tay nuôi cá quý hiếm trên sông Hậu kiếm tiền tỷ mỗi năm 

Được đăng : 16/11/2021
Với tinh thần ham học hỏi, khát khao làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Lý Văn Bon (người dân địa phương thường gọi là Bảy Bon) ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. TP Cần Thơ đã ứng dụng thành công mô hình nuôi cá quý hiếm trong lồng bè trên sông Hậu với làm du lịch cộng đồng, thu về từ 5 - 7 tỷ đồng/năm.

Sinh ra ở tỉnh Cà Mau, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, ông được nhận vào làm việc tại Cục Hải quan của tỉnh. Trong thời gian làm việc, ông tình cờ quen được ông Philip Raden, con trai của cố Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các loại cá và đã có thời gian làm việc tại Việt Nam trên 20 năm. Được sự chỉ dẫn của ông Philip, ông học được nhiều kinh nghiệm nuôi cá và cũng biết được không có nơi nào thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt như dòng sông Mê Kông.

Vốn đam mê với nghề cá, ông quyết định nghỉ việc ở Hải quan tỉnh Cà Mau, dẫn vợ con về vùng đất Cồn Sơn bên con sông Hậu làm nơi lập nghiệp. Thời gian đầu nuôi cá điêu hồng gặp nhiều thuận lợi nên ông làm thêm 2 bè cá, nâng tổng số lên 4 bè. Ông trả nợ gần hết số tiền vay đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, năm 2012,  ông bị thua thua lỗ vì giá cá sụt giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn sau khi có tin đồn cá điều hồng bị nhiễm chất gây ung thư. Ngoài ra, do không muốn phụ thuộc vào một loại cá nuôi, bản thân cũng thích nghiên cứu, thử nghiệm nên ông Bảy Bon mạnh dạn chuyển sang nuôi cá thát lát cườmvà gắn bó với con cá thát lát đến nay gần 10 năm. Cá thác lác của ông được nuôi dưới dòng nước chảy sông Hậu một cách tự nhiên nên cá không chỉ mau lớn mà còn rất ngon.

Từ nuôi cá thát lát cườm để bán, ông Bảy Bon đầu tư nhà xưởng để chế biến chả cá rút xương, cá thát lát muối sả... Hằng năm, xuất bán từ 600 - 800 tấn. Ngoài thị trường Nhật, Úc (bán thông qua doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang), sản phẩm cá thác lác của ông còn được tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau như siêu thị, cửa hàng bán lẻ, khách quen giới thiệu,...

Hiện nay, ông có 30 cái lồng bè nuôi cá thiết kế nằm cạnh với Cồn Sơn nuôi cá thát lát. Ngoài ra , ông Bảy Bon còn sưu tầm nuôi hơn 10 loại cá, trong đó có nhiều loại quý hiếm của sông Mê Kông, đặc biệt là cá hồng vỹ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo.... để kết hợp làm du lịch cho khách tham quan. Chưa dừng lại ở đó, ông còn nuôi được cá Koi bằng chính nguồn nước sông Hậu thay vì là nước đã qua xử lý. ông Bảy Bon cho biết, cá Koi là cá rất khó nuôi, ông phải thí nghiệm nhiều lần mới thành công, ai thấy cũng phục và muốn học hỏi kinh nghiệm.

Ông Bảy Bon cho hay, ông không làm du lịch một mình mà phối hợp với 30 hộ dân trên Cồn Sơn thành 1 tổ du lịch cộng đồng, mỗi hộ một sản phẩm. Mỗi lần khách đến tham quan sẽ đến lồng bè của ông trước sau đó đi đến các hộ dân khác tham quan vườn cây ăn trái, coi lá lóc bay, thưởng thức bánh dân gian, chơi trò chơi... Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày cồn Sơn đón trung bình 300 - 500 khách/ngày, ngày lễ có khi 1.000 khách. Việc bán cá kết hợp với dịch vụ du lịch giúp ông thu về từ 5 - 7 tỷ đồng/năm.

Trong thời gian qua, thực hiện quy định về phòng chống dịch, hoạt động du lịch tạm ngừng nhưng ông Bảy Bon vẫn không nghỉ ngơi, 3 công nhân làm việc, ở cơ sở sản xuất cá thác lác còn 12 công nhân. Hằng ngày, những công nhân này hỗ trợ ông bán cá cho một số nơi ở địa phương và tặng cá cho một số chốt kiểm soát dịch bệnh. Ông tận dụng thời gian tập trung sửa chữa, trang trí lại bè cá sao cho "view" đẹp nhất có thể, thay thế mái tôn bằng mái lá tất cả các chòi cho khách nghỉ ngơi, trú nắng, mua các chậu hoa, cây kiểng về trồng.

Là những người năng động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao, ông đã nhận được nhiều bằng khen từ UBND TP.Cần Thơ, Hội nghề cá Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ. Riêng trong năm 2021 này, ông Lý Văn Bon được tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

TB