00:00 Số lượt truy cập: 2986974

Máy xay rác thải hữu cơ làm phân vi sinh 

Được đăng : 10/10/2019

 

Anh là Vũ Đình Phúc, là người nông dân sống trên địa bàn Tp Đà Lạt, quanh năm vất vả đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương nhưng cuộc sống vẫn khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhìn thấy những núi rác thải là phụ phẩm hữu cơ nông nghiệp từ trồng hoa màu, cây ăn trái, rau củ quả, các cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu, vừa ô nhiểm môi trường vừa lãng phí, kết hợp với những lần được xem hướng dẫn làm phân vi sinh từ nguồn rác hữu cơ, anh quyết tâm bắt tay vào thực hiện ý tưởng táo bạo của mình.

Năm 2006, sau một thời gian tự mày mò, anh đã chế tạo thành công một cỗ máy xay phế phẩm hữu cơ với công suất 3m3/giờ. Thấy máy hoạt động tốt nhưng công xuất chưa được lớn và còn một số hạn chế trong quá trình hoạt động. Năm 2008 anh cải tiến sản phẩm của mình với mục đích cung cấp rộng rãi ra thị trường cho bà con nông dân có nhu cầu hoặc những cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Máy sau cải tiến lần này công suất đạt 10m3/h. Máy cải tiến thiết kế thành 3 tầng riêng biệt, mỗi tầng có chức năng khác nhau. Máy hoạt động bằng động cơ điện ba pha 20hp, được gắn trên khung sắt có bánh xe để dễ dàng di chuyển đến mọi nơi, tăng khả năng cơ động của máy.

Máy xay chế phẩm nông nghiệp khi đưa vào sử dụng sẽ tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương vào mùa vụ thu hoạch, đồng thời sản xuất ra được loại phân hữu cơ vi sinh đạt chất lượng, tái tạo chống thoái hóa đất, bảo vệ môi trường.

Năm 2010 anh đã tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp sản xuất được 150m3 phân vi sinh để sử dụng trồng rau và hoa màu cho gia đình nhằm tiết kiệm chi phí phân bón và tăng sản lượng trên cùng đơn vị canh tác.

Chỉ trong vòng 2 năm(2009-2010) cơ sở của anh sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 20 chiếc: Đà Lạt 03 máy(trang trại Langbiang Farm, viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Cty TNHH Kỷ Nguyên); Các tỉnh khác: Cty cổ phần Long Vân Bắc Giang, Cty Long Phú Thái Việt -Bình Thuận…và một số tỉnh thành khác. Hầu hết những chiếc máy cơ sở của anh cung cấp ra thị trường đều được đánh giá là hoạt động rất tốt và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, bảo vệ mội trường, phát triển kinh tế.

Khi được hỏi đến hiệu quả kinh tế đem lại cho anh và gia đình từ việc bắt tay sản xuất những chiếc máy xay phế phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường, anh chỉ cười và nói rằng tất cả chỉ bắt nguồn từ một đam mê, trước tiên phục vụ cho gia đình, khi thành công thì mới nhân rộng, tất nhiên khi bán máy thì phải có lãi để trả tiền cho nguyên vật liệu và công sức của những người công nhân. Nhưng nhìn thấy sự thành công của anh thì tôi cũng biết rằng để trở thành giàu có và đi lên thoát nghèo là một điều đương nhiên và trong thời gian không xa. Anh còn cho biết, cơ sở sản xuất và những “cỗ máy xay rác’’ của anh vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến, nhất là khu vực miền núi phía bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở nơi đó những cỗ máy của anh sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn của bà con nông dân.

An mong muốn từ mô hình của mình, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức cơ quan liên quan cần hỗ trợ tạo điều kiện nhân rộng nhiều nơi, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, làm sạch môi trường, bảo vệ tái tạo nguồn đất và điều quan trọng là giúp giảm chi phí phân bón đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
ĐT