00:00 Số lượt truy cập: 2669720

Mô hình nuôi cá kiểng đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 15/05/2019

 

Đến thăm gia đinh nông dân Nguyễn Tấn Phong ngụ ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM là một trong những gương điển hình trong ngành nuôi cá cảnh với diện tích nhiều hecta, đạt lợi nhuận cao của thành phố Hồ Chí Minh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền; Cơ duyên đến với nghề nuôi cá khiến ông Phong dù khó khăn cỡ nào cũng tìm cách gắn bó với nghề. Ngày trước ông nuôi cá thịt bán kiếm lời, đến năm 2002 thì bắt đầu nuôi cá cảnh. Thời điểm ấy, khi sang chơi nhà bạn, ông thấy bạn mình nuôi đàn cá cảnh bơi lượn rất đẹp. Ông mang về vài con nuôi thử, đàn cá dễ nuôi chóng lớn; Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ sẽ đầu tư nuôi cá cảnh quy mô hơn. Bỏ công đào ao, chọn nguồn giống, thức ăn, ông Phong tận dụng lao động trong gia đình cùng chăm sóc ao cá. Kỹ thuật nuôi cá của ông Phong là theo kiểu truyền thống, tự nhiên.

Từ năm 2011, với trình độ chuyên môn là sơ cấp nghề nuôi cá kiểng, nuôi heo thịt cộng với truyền thống gia đình là nuôi cá và hưởng ứng vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao của thành phố, ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất cá kiểng và cá thịt cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh. Đến nay  ông Phong cho hay đã gắn bó với nghề nuôi cá cảnh hơn 15 năm. Hiện tại, với 12 ao nuôi cá cảnh (có nhiều loại nổi tiếng như cá cảnh Nhật, cá Koi, cá Nam Dương) trên diện tích khoảng 7 ha, gia đình ông thu lời tiền tỷ mỗi năm.

ca-koi

Anh Phong cho cá ăn tại ao nhà



Để nuôi cá cảnh thành công như hôm nay, ông Phong từng chịu nhiều thất bại khi khởi nghiệp. Các con kênh cung cấp nước ở vùng đất Bình Lợi thường xuyên bị nước xả thải khu công nghiệp đổ về chảy thẳng vào ao nuôi cá, khiến cả đàn chết trắng. Không chịu cảnh thất nghiệp, ông Phong suy tính, nếu kiểm soát được nguồn nước từ các con kênh chảy vào thì sẽ nuôi cá được. Nghĩ là làm, ông tìm mua vôi bột, hóa chất xử lý nước phèn, nước đục. Khi cần đổi nước mới cho cá thì dẫn nước vào từ ao dự phòng. Bằng kinh nghiệm ông Phong chia sẻ, phải quan sát nguồn nước bằng mắt thường rồi thử nghiệm, xử lý nước bằng hóa chất nhiều lần (do ở vùng này, mỗi tháng chỉ có được 2 lần nước tốt, còn lại thì toàn nước “độc”, nhiễm phèn, nhiễm mặn). Tuy nhiên, dù ông Phong rất cẩn thận với nguồn nước dùng nuôi cá, nhưng đôi khi bị các khu công nghiệp, nhà máy ở đầu nguồn con kênh xả lén nước thải, cá trong ao của ông cũng bị ngắc ngoải, phải xả ao nuôi lứa cá mới.

Với mô hình nuôi cá cảnh độc đáo đạt hiệu quả kinh tế cao này, ông được Hội Nông dân phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quảng bá hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của ông. Đồng thời, mô hình được nhân rộng áp dụng cho 18 hộ nông dân khác, với quy mô 30ha. Với vay trò là đầu tàu của vùng  ông mạnh dạn vận động thành lập tổ hợp tác nuôi cá cảnh và hiện là tổ trưởng tổ hợp tác. Tuy nhiên, “Phong cá cảnh” lưu ý, ngoài nguồn nước tốt thì cần chú ý tấm lưới bao quanh để ngăn các loại cá tạp ở ruộng xâm nhập vào ao, tranh ăn với cá cảnh. Chế độ ăn uống cho cá cảnh phải điều độ, đúng giờ, việc theo dõi thời tiết cũng rất quan trọng. Hiện ao nuôi cá cảnh của ông Phong đạt sản lượng tiêu thụ 500kg – 600kg/tháng. Hướng tới, ông Phong sẽ đưa cá cảnh giới thiệu tại các hội chợ triển lãm, siêu thị, để phát triển đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài sản xuất giỏi ông cũng tham gia hoạt động an sinh xã hội rất tích cực. hàng năm tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương, thu nhập 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng; hường dẫn kỹ thuật kinh nghiệm sản xuất cho 20 hộ nông dân; hỗ trợ con giống cho 05 hộ với số tiền 30 triệu đồng, hỗ trợ vật tư sản xuất nông nghiệp hộ có hoàn cảnh khó khăn, bán cám cho 05 hộ nông dân nghèo sản xuất với hình thức cho mượn không lãi chỉ thu lại vốn sau khi thu hoạch.

 

L.M