Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Yên Châu đang được đẩy mạnh. Hội viên, nông dân đang tích cực thi đua phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Để phong trào ngày càng được nhân rông, Hội Nông dân huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hàng ngàn hội viên, nông dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ủy thác hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất; Quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho hội viên, nông dân vay thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh.
Từ thực tế đó, anh Hoàng Văn Tú ở bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã biết nắm bắt, vận dụng linh hoạt từ những chính sách hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi, khoa học kỹ thuật, vốn của nhà nước. Bằng những ý chí quyết tâm làm giàu, anh đã đổi mới mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tìm cách khai thác tiềm năng thế mạnh về nguồn lao động, đất đai, sản phẩm hàng hoá của gia đình mình cũng như của bà con nông dân địa phương và các vùng lân cận. Mô hình tổng hợp của anh chủ yếu kinh doanh, chế biến nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp cùng với việc đầu tư trồng cây ăn quả cho thu nhập ổn định cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Để kinh doanh chế biến nông sản gia đình anh đầu tư 01 kho sấy ngô với tổng diện tích 4000 m2. Gia đình anh đầu tư các trang thiêt bị máy móc phục vụ cho việc sấy ngô, 10 xe tải chuyên thu mua nguyên liệu và chở ngô sấy đi các tỉnh để tiêu thụ trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Tổng sản lượng ngô sấy một năm của gia đình anh trên 20.000 tấn, chủ yếu sấy ngô từ xã Lóng Phiêng, Chiềng Tương và bên khu Móng Nặm (nước bạn Lào). Hằng năm, với việc thu mua ngô về sấy gia đình anh thu về gàn 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15- 20 người, lương tháng bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm rất thuận tiện và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, gia đình anh còn cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón khoảng 5.000 tấn, với 10 đại lý phân phối tại xã Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Phiêng Khoài, Chiềng On với nguồn phân bón bảo đảm chất lượng cho bà con nông dân chăm bón cây trồng. Ngoài lĩnh vực kinh doanh, gia đình anh còn tập trung đầu tư trồng cây ăn quả như mận, xoài, nhãn theo hướng Vietgap tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương. Tổng thu nhập từ cây ăn quả trên 500 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình đạt trên 4 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 25 - 30 lao động. Tạo điều kiện thu mua nông sản cho bà con nông dân ở địa phương và các xã lân cận với giá phù hợp, kịp thời, không để xảy ra tình trạng ngô bị thối, ẩm mốc sau thu hoạch hay tình trạng bà con nông dân bị ép giá. Từ những thành quả đạt được, anh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sản xuất kinh doanh với bà con nông dân trên địa bàn và hỗ trợ vốn, vật tư, phân bón cho bà con, tạo điều kiện cho bà con nông dân trong vùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Không những làm kinh tế giỏi, anh còn luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, anh cùng gia đình đã tự nguyện làm 01 đoạn đường nông thôn tại bản Yên Thi và đóng góp kinh phí cùng làm đường bê tông nông thôn ở một số tuyến khác trong bản Yên Thi với số tiền trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tích cực tham gia đóng góp ủng hộ cho các hoạt động từ thiện, phòng chống bão lũ, thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, xoá nhà tạm cho hộ nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ những việc làm ý nghĩa đó, anh đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp các ngành trong sản xuất kinh doanh giỏi và những đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tiến Trình