Ông Nguyễn Thanh Hồng đang sửa chữa máy nông cụ của mình để phục vụ bà con
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Hồng sớm chuyển về ấp Tràm Dưỡng, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để lập nghiệp. Ban đầu, mọi thứ còn hết sức khó khăn, nhưng càng khó khăn, ông càng quyết tâm tạo dựng sự nghiệp trên mảnh đất này.
Trước đây vùng Mỹ Phước còn bị nhiễm nặng phèn, nên cây lúa cho năng suất chưa cao. Từ khi địa phương có chủ trương chuyển quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng như nạo vét kênh thủy lợi, hạ thế trạm bơm điện, xây dựng nhãn hiệu tập thể … Gia đình ông đã tích góp mua 9 ha đất ruộng để trồng lúa. Những năm đầu làm ruộng, do chưa cập nhật những kiến thức mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa nhiều năm liền không đạt yêu cầu. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức. Gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5 ha ruộng sản xuất theo quy trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform). So cách làm truyền thống, năng suất sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP vẫn đạt 7 tấn/ha, nhưng giảm 40-50% chi phí, sức khỏe và đặc biệt là môi trường nông thôn an toàn hơn. Từ mô mô hình sản xuất lúa này sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ gia đình ông lãi 25 triệu đồng/ha.
Năm 2007, từ chính sách của Đảng, Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất, ông đã mạnh dạn đầu tư máy cắt, máy kéo làm dịch vụ nông nghiệp. Đến nay, với 15 chiếc máy gặt đập liên hợp, 5 máy cày, mỗi năm gia đình ông có thu nhập sau khi trừ chi phí được 1.5tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động ở địa phương.
Để đạt được những kết quả trên, bản thân ông luôn học hỏi rút kinh nghiệm từ các mô hình làm ăn có hiệu quả ở nhiều nơi. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất, hiệu quả kinh tế đạt chất lượng cao. Gia đình ông đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện. Mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất lúa gắn với dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp cho gia đình và làm dịch vụ cày, xới, thu hoạch lúa cho bà con nông dân trong vùng.
Từ những kiến thức có được, ông đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhiều người lao động ở nông thôn. Kết quả đã hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 50 lao động, giúp đỡ 15 lao động có việc làm ổn định lâu dài, trong đó giúp đỡ được 04 hộ nghèo khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhiều năm liền gia đình được công nhận là gia đình văn hoá. Đã đóng góp xây dựng và phát triển nông thôn số tiền từ 40 - 50 triệu đồng/năm và 18 ngày công lao động cùng chính quyền địa phương trong việc sữa chữa lộ giao thông, trường học, trạm y tế....
Trong quá trình phát triển mô hình sản xuất, gia đình ông luôn nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, tổ chức Hội Nông dân các cấp và được bà con nông dân tín nhiệm. Phải nói rằng tổ chức Hội Nông dân là cầu nối giữa người nông dân với Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà khoa học; thực hiện tốt công tác “liên kết 04 nhà” và nhờ đó gia đình ông được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề phát triển kinh tế. Được tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư mở rộng qui mô sản xuất; tiếp thu kiến thức khoa học, kinh nghiệm hay, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Ngoài việc phát triển kinh tế, gia đình ông luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội do địa phương phát động, góp một phần nhỏ bé của gia đình mình để chung tay xây dựng nông thôn mới; kịp thời động viên, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất để cùng nhau làm giàu; đóng góp đầy đủ các loại quỹ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bản thân ông đã được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của UBND huyện và giấy khen UBND xã.
(Ánh Dương)