Mô hình nuôi tôm của anh Thắng
Anh Hoàng Minh Thắng ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo, tuổi thơ gắn liền với chuỗi ngày dãi nắng dầm mưa theo cha đánh bắt thủy sản trên con ghe nhỏ dọc bãi biển. Nhận thấy nghề đi biển bãi ngang quá đỗi khó nhọc, bấp bênh lại không thể thoát khỏi cái nghèo nên tôi quyết định đi xuất khẩu lao động với mong muốn kiếm được thêm nguồn vốn để sau này về quê đầu tư phát triển sản xuất". Sau khi về nước, anh quyết định trở về quê lập nghiệp, với ít vốn liếng kiếm được từ đi xuất khẩu lao động cộng thêm vay vốn ngân hàng, ông đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại VAC với quy mô 1,7 ha gồm diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn là 600m2, diện tích ao là 2.500 m2 nuôi trồng các loại cá và diện tích 13.900 m2 trồng các loại cây ăn quả.
Anh đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm Biogas hoàn chỉnh để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi phục vụ sản xuất, đồng thời đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Những năm đầu bước vào nghề, kinh nghiệm chưa nhiều, đồng vốn lại ít, nên gia đình anh chỉ nuôi vài chục con lợn, vài trăm con cá và chủ yếu là giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình. Nhưng việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi rất khó khăn nên nhiều năm thua lỗ. Không từ bỏ ý trí làm giàu trên quê hương mình, anh đã tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại khác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi anh đã đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Sau gần 2 năm, mô hình trang trại của gia đình anh đã dần ổn định và phát triển.
Năm 2013, nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh trên đất Hải Ninh, anh vay hơn 2 tỷ đồng và thuê 10.000 m2 đất nuôi tôm thẻ chân trắng. Để có kiến thức về nuôi tôm, anh thường xuyên tìm kiếm thông tin trên mạng, học hỏi và trao đổi thông tin với các chuyên gia, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm từ các chủ trang trại nuôi tôm. Năm đầu tiên đầu tư vào mô hình nuôi tôm, với số lượng 2 vụ/năm (mùa hè nuôi 3 tháng/vụ; mùa đông 5 tháng/vụ), anh đã thu được sản lượng 30 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm cho doanh thu gần 3 tỷ đồng. Từ những kết quả thu được, anh tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại nuôi tôm công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng quy trình xử lý nước thải tiên tiến trước khi xả thải ra môi trường. Hiện nay, trang trại của anh tập trung vào 2 mảng chính là nuôi tôm và nuôi lợn với tổng diện tích hơn 6ha, gồm 2 trại nuôi lợn khép kín duy trì 50 lợn nái cung cấp con giống và 15 ao nuôi tôm công nghệ cao với 7 triệu con giống tôm thẻ chân trắng.
Từ những nỗ lực không ngừng, anh đã thành công trong chăn nuôi, làm giàu trên vùng cát trắng, với tổng doanh thu gần 9 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận 1,8 - 2,0 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên với mức lương trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, anh đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, Hằng năm chủ động hỗ trợ cho địa phương 10 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa Nhà văn hóa thôn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho khoảng 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo tại địa phương góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong những năm vừa qua.
Với những kết quả đã đạt được, anh nhiều năm đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Quảng Bình. Anh cũng là một trong năm đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự hội nghị tổng kết phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2017 - 2022. Đặc biệt, anh đã vinh dự là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Nhật Anh