00:00 Số lượt truy cập: 2663064

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một cựu chiến binh 

Được đăng : 03/12/2018
Dù chỉ mới hoạt động 1 năm, song mô hình trồng dâu nuôi tằm của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Cường (thôn Ninh Trang 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã mang lại những kết quả khả quan, hứa hẹn một hướng đi hiệu quả dần thay thế cho cây mía đường mà ông đã gắn bó suốt 20 năm qua.

Khi cây mía không còn “vị ngọt”

Năm 1976, gia đình ông Nguyễn Tiến Cường từ Nha Trang đến khai phá, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Ninh Trang (nay thuộc xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) theo chủ trương của Nhà nước. Năm 1979, ông Cường đi bộ đội, đến năm 1983 phục viên trở về địa phương và gắn bó với vùng đất mới để làm nương rẫy cho đến hôm nay.

Ông Cường hướng dẫn nhân công thu hoạch kén tằm.

Từ 1.000m2 đất sản xuất được Nhà nước giao ban đầu, những năm sau đó, ông cùng gia đình tích cực khai hoang mở rộng diện tích. Đến năm 1998, khi quỹ đất sản xuất của gia đình được 8ha, ông Cường bắt đầu đầu tư trồng cây mía đường trên toàn bộ diện tích này. Những năm sau đó, ông không ngừng tích lũy mua thêm đất để mở rộng quy mô canh tác cây mía lên đến hơn 60ha. 20 năm qua, cây mía đường không chỉ mang đến cho gia đình cuộc sống sung túc, mà còn giúp ông trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của hội nông dân và hội CCB các cấp.

3 năm nay, cây mía đường ngày càng rớt giá, trong khi chi phí đầu tư, chăm sóc, thu hoạch ngày càng tăng cao. Với tình hình đó, ông Cường đã dành gần 2 năm tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp để áp dụng dần thay thế cây mía, với các tiêu chí như: phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương, vốn đầu tư ban đầu thấp, nhanh khai thác và bền vững, đầu ra có nhiều triển vọng.

Mạnh dạn chuyển đổi

Sau khi tìm hiểu rất kỹ các mô hình trồng cây đinh lăng, cây sa chi, trồng dâu nuôi tằm, cuối cùng ông đã chọn trồng dâu nuôi tằm. Sau nhiều lần đến tận các thủ phủ dâu tằm ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để tham quan, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời trực tiếp đề nghị Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ, đầu năm 2018, ông Cường đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5ha đất trồng mía sang trồng giống dâu lai GQ2. Cùng với đó, ông đầu tư xây dựng khu nhà nuôi tằm gần 200m2 theo quy chuẩn của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương. Đến nay, ông đã nuôi thành công 2 vụ tằm đầu tiên, cho lãi khá.

Theo ông Cường, nhìn chung mô hình trồng dâu nuôi tằm không mấy phức tạp, vốn đầu tư thấp, nhanh khai thác (cây dâu trồng 6 tháng là cho khai thác lá, mỗi vụ tằm chỉ 15 ngày). Ngoài việc cây dâu chỉ đầu tư trồng một lần có thể khai thác trong 20 năm, ở khu vực thời tiết nắng ấm quanh năm, cây không có thời gian ngủ đông như ở miền Bắc nên cho lá để nuôi tằm quanh năm.

Chính vì thế, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau (thời gian cây dâu ở phía bắc rụng lá), nguồn cung ứng kén tằm trên thị trường giảm xuống nên giá tăng cao gấp đôi so với các thời điểm khác trong năm.

Hiện tại, ngoài việc tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng, ông Cường đã tập hợp được những người trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã Ninh Thượng để thành lập Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm với 21 thành viên. Với vai trò Tổ trưởng tổ hợp tác, thời gian qua, ông không chỉ kết nối để các thành viên trong tổ nhiều lần được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương tập huấn quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm tại chỗ, mà còn tìm kiếm được đối tác bao tiêu sản phẩm kén tằm do tổ sản xuất với khối lượng lớn.

Ông Võ Minh Hùng - Chi hội trưởng Chi hội 3, Hội Doanh nhân CCB tỉnh cho biết: “Nhiều năm qua, ông Cường luôn là điển hình tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi của chi hội. Đặc biệt, tinh thần không ngừng tìm tòi các mô hình kinh tế nông nghiệp mới để thay thế mô hình cũ kém hiệu quả của ông là tấm gương để các hội viên làm nông nghiệp học tập”.

Theo ông Nguyễn Hoài Phương - Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, việc mô hình trồng dâu nuôi tằm của ông Cường nói riêng và Tổ hợp tác nói chung đạt được những kết quả bước đầu đã mở ra triển vọng về một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong bối cảnh cây mía ngày càng kém hiệu quả. Tuy nhiên, vì đây là mô hình mới tại địa phương nên địa phương khuyến cáo người dân nên thận trọng, không chuyển đổi ồ ạt từ cây mía sang trồng dâu tằm mà phải chuyển đổi từ từ từng diện tích nhỏ để đề phòng rủi ro về đầu ra sản phẩm.

THẾ ANH