00:00 Số lượt truy cập: 2637637

Mô hình trồng địa lan tại bản Sin Suối Hồ - Lai Châu 

Được đăng : 22/03/2019
Bản Sin Súi Hồ cách thành phố lai Châu 31 km, nằm giữa núi rừng đại ngàn, nơi biên giới với nhiều địa điểm thắng cảnh đưa vào khai thác làm du lịch như: Thác Trái tim, Thác Tình yêu, Thác Ma quai thàng, Thác Cầu vồng; đỉnh núi Bạch mộc lương tử có độ cao 3.046m so với mực nước biển - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á.

sin-suoi-ho

*Nghề trồng địa lan:

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Thời gian này hoa địa lan đang nụ chuẩn bị nở đón tết. Cả bản giống như một vườn lan khổng lồ với hàng ngàn chậu địa lan được chăm chút đẹp nhất.

Địa lan chính là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ. Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã tích cực chia sẻ những kinh nghiệm chăm bón, bóc tách lan của mình cho người dân trong bản. Giống địa lan được bà con đưa vào trồng là địa lan rừng, có 3 mầu: đỏ, vàng và xanh vàng. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan với khoảng trên 20.000 chậu hoa địa lan, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu. Ai ai cũng trồng và mục đích đầu tiên là để trang trí nhà cửa, cho bản thêm đẹp để làm du lịch. Khi khách muốn, người dân có thể bán, nguồn thu rất khá. Cho đến thời điểm hiện tại toàn xã Sin Suối Hồ, người nông dân xã trồng, nhân rộng được trên 50.000 chậu địa lan, tập trung tại 05 bản trong xã.

Kết hợp làm du lịch của bản: Mỗi năm thu hút khoảng hơn 15.000 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ dịch vụ bán vé, bán quà lưu niệm, cung ứng dịch vụ ăn, nghỉ tại điểm du lịch. Năm 2017 cả bản thu từ bán địa lan được trên 2 tỷ đồng, thu nhập từ địa lan đạt trên 20.000.000 đồng/hộ/năm, nhà nào bán nhiều, có thể thu về được từ 200 - 300 triệu đồng/năm, ngoài ra còn thu nhập từ thảo quả, các loại hoa quả … Thu nhập bình quân đạt 73.000.000 đồng/hộ/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân bản Sin Suối Hồ tăng lên rõ rệt.

Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển Du lịch cộng đồng nơi đâyanh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản cho biết từ năm 2010, bản Sin Suối Hồ bắt đầu chuyển hướng sang làm du lịch cộng đồng. Bước đầu làm du lịch gặp nhiều khó khăn, nhất là thay đổi nếp sinh hoạt của người dân sao cho văn minh, sạch sẽ. Tiên phong phát triển du lịch công đồng chính là, anh đang cùng với người dân xây dựng một địa chỉ du lịch cộng đồng để khai thác những thuận lợi từ vẻ đẹp của thiên nhiên, nét đẹp văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc Mông; quan trọng nhất là cần thay đổi nếp sinh hoạt của người dân sao cho văn minh, sạch sẽ. Qua họp dân, phân chia rõ ràng mỗi gia đình tự dọn dẹp, bảo vệ một đoạn đường. Đưa vào quy ước chung của bản việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường ngõ bản. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ việc giữ vệ sinh sạch sẽ là không có dịch bệnh, không có ốm đau; chuồng trại nuôi trâu, bò, dê, lợn phải cách xa nơi ở và được dọn dẹp thường xuyên để không có mùi gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Từ nhà dân đến đường đi luôn được giữ sạch sẽ, gọn gàng. Dọc ven đường bố trí những bộ bàn ghế bằng gỗ, bằng đá cho khách dừng nghỉ ngơi. Khôi phục các nét đẹp văn hóa truyền thống như: thêu thùa hay những khúc hát giao duyên, những làn điệu dân ca...

Mỗi gia đình đều ghi tên chủ nhà lên tấm biển làm bằng gỗ trước cửa, hoặc trên cánh cổng to đầu ngõ cùng những nội dung mà du khách quan tâm như số điện thoại, có Wi-Fi…gắn bằng những hòn cuội nhỏ màu trắng, hoặc sợi thừng uốn thành chữ.

Quy hoạch, xây dựng chợ để nhân dân giao thương, buôn bán và phục vụ khách tham quan. Trưởng bản đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ. Chợ cũng có đội ngũ dọn dẹp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch cộng đồng. Các hộ tham gia buôn bán tại chợ chỉ cần nộp từ 5.000 - 10.000 đồng mỗi ngày cho Ban quản lý chợ. Số tiền thu được, bản sẽ dùng để tu sửa, mua trang thiết bị phục vụ hoạt động chợ.

Chính quyền xã và đồn biên phòng luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho du khách đến tham quan du lịch. Bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con tổ chức dịch vụ nhà nghỉ homestay làm sao cho văn minh lịch sự, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Thành lập nhóm “Homsetay” phục vụ du khách do Trưởng bản làm trưởng nhóm. Các gia đình đã chủ động học hỏi, đầu tư trang bị vật dụng, xây dựng nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách nghỉ tại nhà. Hiện nay bản đã có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ Homestay phục vụ du khách nghỉ qua đêm, với sức chứa khoảng hơn 100 khách mỗi đêm và 06 hộ làm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách.

Chu Hương