00:00 Số lượt truy cập: 3047808

Mô hình trồng Nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao của Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Nam Định 

Được đăng : 29/11/2024
Trong chương trình làm việc tại tỉnh Nam Định, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bùi Thị Thơm làm trưởng đoàn đã về thăm mô hình trồng nấm của hợp tác xã Linh Phát ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu do Anh Nguyễn Văn Thành, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 làm Giám đốc. Một mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nấm các loại đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đưa chúng tôi đi thăm khu nuôi trồng nấm của hợp tác xã, Anh Nguyễn Văn Thành, giám đốc Hợp tác xã Linh Phát vui vẻ cho biết, sở dĩ anh lựa chọn nấm là hạt giống khởi nghiệp bởi nấm không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giá thể sau khi thu hoạch có thể ủ phân hữu cơ, làm phân bón. Trước đây, khi nghề trồng nấm trên địa bàn xã Hải Chính chưa phát triển, hầu hết các phụ phẩm nông nghiệp rơm, rạ, lõi ngô… người dân thường đốt sau thu hoạch, gây ô nhiễm, cản trở giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể nói, trong quy trình trồng nấm, không có thứ gì gọi là rác hoặc rác cũng có thể biến thành “vàng”.

1123456789101112131415161718
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cùng đoàn công tác đã thăm mô hình trồng nấm HTX Linh Phát ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Để thực hiện được ý tưởng, anh Thành đăng ký học 1 khóa đào tạo về trồng nấm, sản xuất nấm tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn). Sau khi có trong tay cuốn sổ kiến thức, tháng 3/2011, anh Thành quyết định xây dựng trang trại trồng nấm với quy mô khoảng 1.000m2; tập trung sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm mỡ. Anh Thành tâm sự: sản xuất nấm không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, bản thân anh cũng từng vấp phải nhiều thất bại, hơn 50.000 bịch phôi hỏng, thiệt hại khoảng 30 - 40%, vốn “đổ sông đổ bể”. Song, quyết tâm không bỏ cây nấm, anh dành nhiều thời gian đi tham quan các mô hình trồng nấm khác ở những vùng lân cận để học hỏi thêm kỹ thuật trồng nấm. Từ những kiến thức học tập thực tế, lần này anh đã áp dụng thành công vào mô hình trồng nấm của gia đình. Nhờ đó, mô hình sản xuất nấm dần ổn định. Trong quá trình sản xuất nấm, nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả, năm 2014 anh đã đứng lên thành lập Hợp tác xã dịch vụ Linh Phát với 8 thành viên tham gia và 25 lao động kỹ thuật sản xuất. Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở liên kết các cá nhân, hộ gia đình theo nguyên tắc tự nguyện và cùng hưởng lợi. Phương hướng hoạt động của hợp tác xã là tăng cường liên kết giữa các thành viên và liên kết giữa hợp tác xã với các đơn vị liên quan… để cùng nhau tiêu thụ đầu ra sao cho thuận lợi, qua đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Hiện tại, ngành nghề sản xuất chính của hợp tác xã dịch vụ Linh Phát là nuôi trồng và sản xuất các loại nấm. Trong đó, sản phẩm chủ lực là nấm linh chi, ngoài ra còn có nấm bào ngư, đông trùng hạ thảo, mộc nhĩ và một số sản phẩm chế biến từ nấm. Quy trình sản xuất nấm từ khâu lựa chọn nguyên liệu làm phôi, chọn giống, nguồn nước tưới, thu hoạch, bảo quản... đều được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản lượng nấm tăng cao, chất lượng nấm đồng đều, đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết hàng đến đó, vào các dịp cuối năm luôn cháy hàng, anh Thành chia sẻ.

Với kinh nghiệm của mình, anh Thành thường xuyên chia sẻ, cập nhật kỹ thuật cho thành viên và người lao động trong Hợp tác xã. Anh hướng dẫn cho các thành viên hợp tác xã áp dụng quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng, sản xuất nấm sạch khép kín với nguyên liệu hữu cơ tự nhiên như mùn cưa, rơm rạ. Toàn bộ dây chuyền hệ thống sản xuất nấm sạch được đồng bộ từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm.Trong quá trình chăm sóc nấm phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở để có nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó xây dựng thương hiệu của Hợp tác xã.

Đến nay, hợp tác xã Linh Phát đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Rượu linh chi, Nấm linh chi, Nấm bào ngư Linh Phát. Năm 2024 này, anh Thành đăng ký tham gia thêm 3 sản phẩm tham gia OCOP gồm: đông trùng hạ thảo sấy khô kiểu thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo và trà nấm linh chi hòa tan. Sản lượng nấm của hợp tác xã tăng qua từng năm. Mỗi năm hợp tác xã đã xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn nấm linh chi thương phẩm (đã sấy khô), 80 tấn nấm bào ngư, 15 tấn mộc nhĩ, 12 tấn nấm mỡ và khoảng 700 lít rượu nấm linh chi, rượu đông trùng hạ thảo… Tổng doanh thu của HTX đạt 6,8 tỷ đồng, sau khi từ tất cả các chi phí, hợp tác xã thu lãi hơn 1,3 tỷ đồng/năm.

Hợp tác xã đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của hợp tác xã được xây dựng quy củ, phát triển bền vững nên đã thu hút nhiều hộ nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chia sẻ với đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Anh Đỗ Tiến Hiệu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân thị trấn Cồn đang có 4 chi hội nông dân nghề nghiệp và 7 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Trong đó có điển hình mô hình Hợp tác xã Linh Phát đã được Hội Nông dân tỉnh, huyện quan tâm, hướng dẫn kết nối, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

2123456789101112
Nấm Linh Chi- một trong những sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã dịch vụ Linh Phát.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Nguyễn Văn Thành cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ của hợp tác xã  rất tốt, đầu ra sản phẩm không đủ để cung ứng cho khách hàng đặt hàng. Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nấm, hợp tác xã đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sẽ xây dựng thêm các phòng trồng nấm công nghệ cao, kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống điều khiển tự động IoT để trồng thêm một số loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm đùi gà, nấm đầu khỉ. Thành công không giữ riêng cho mình, anh Thành cho biết, hợp tác xã đã có kế hoạch hợp tác với Viện Di truyền Việt Nam xây dựng phòng lab, khu nuôi cấy phôi tại xã Hải Chính để từ đó có thể nhân rộng các cá thể nấm tốt, bán giống và lan tỏa mô hình kinh tế cho người dân các tỉnh lân cận./.

 

Thu Hà