00:00 Số lượt truy cập: 3048039

Mô hình trồng phúc bồn tử cho thu nhập ổn định 

Được đăng : 17/02/2022

anh123

Anh Nguyễn Văn Trinh đang thu hoạch trái phúc bồn tử trong vườn
 

Có niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi những giống cây trồng mới vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có thể thích nghi với vùng đất nắng gió Phan Rang – Tháp Chàm(Ninh Thuận), anh Nguyễn Văn Trinh, ngụ ở khu phố 4, phường Văn Hải đã mạnh dạn trồng 500 gốc Phúc bồn tử trên 1000m2 đất vườn và đạt được mục tiêu ngoài mong đợi.

Phúc bồn tử, hay còn gọi là quả mâm xôi, được xem là một trong những “siêu thực phẩm” bởi không chỉ sở hữu nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh. Bằng chứng là Đông y coi mâm xôi là một loại “thực dược lưỡng dụng” nghĩa là vừa dùng làm thực phẩm, vừa có thể làm thảo dược trị bệnh. Đây là cây trồng có nguồn gốc từ Israel, trong tiếng Anh gọi là blackberry(mâm xôi đen) và rasberry(mâm xôi đỏ), trái chín màu tím đen hoặc đỏ, vị chua ngọt, thơm ngon và được xem là “nữ hoàng” của các loại quả nhờ có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.. Nhìn chung, mâm xôi có dạng hình cầu, bao gồm nhiều quả hạch nhỏ như vậy dính thành cụm vào cuống, khi ăn sẽ thấy có vị hơi ngọt, chua. Quả lúc chín thường có màu đỏ tươi hoặc đen bóng trông khá bắt mắt.

Trong một lần đi du lịch Đà Lạt năm 2020, vợ chồng anh có ghé thăm một trang trại có trồng cây phúc bồn tử. Thấy loài cây này giống loài cây mâm xôi thường mọc hoang dại ở các vùng đồi thấp, nay được đưa vào vườn trồng khiến anh đặc biệt quan tâm. Nghĩ rằng giống cây này tuy được nhập khẩu về Việt Nam nhưng chắc sẽ phù hợp với vùng đất nóng quê mình, anh mạnh dạn mua 250 gốc về trồng. Sau 8 tháng trồng và theo dõi, cây phúc bồn tử đen sinh trưởng và phát triển khá phù hợp với khí hậu quê anh. Cây đã cho ra những chùm quả đầu tiên, ăn thấy có mùi và vị đậm hơn rất nhiều so với xứ ôn đới Đà Lạt. Vừa trồng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nông dân trên vùng cao nguyên Lâm Viên và các tài liệu mạng, sách báo. Anh Trinh tiếp tục mua thêm 250 gốc về trồng nâng tổng số gốc lên 500 gốc trên diện tích lên 1.000 m2. Cùng với đó, anh Trinh cho làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm, kiểm soát lượng nước tưới.

Phúc bồn tử là loài  cây cho trái quanh năm và nếu chăm sóc tốt thì chu kỳ của cây cho thu hoạch lên đến hàng chục năm mới phải trồng thay thế. Từ lúc xuống giống, chăm sóc, bấm ngọn để cây ra hoa, đậu trái mất 8 tháng, chi phí đầu tư tính trung bình tầm 50 triệu đồng cho 1000m2 với khoảng 500 gốc. Đây là mức đầu tư ban đầu cũng chưa phải là cao so với nhiều loài cây trồng khác.

Giàn được căng cọc tre, hình chữ V để giữ cố định thân, cành và dễ dàng trong việc chăm sóc, thu hái quả. Phúc bồn tử được thu hoạch khi quả chuyển từ màu đỏ sang đen, mọng nước, đều quả, quả to trung bình từ 80 - 90 quả/kg đạt chất lượng thương phẩm. Mặc dù là lọai trái cây có nhiều công dụng và giá trị dinh dưỡng cao nhưng giá bán của phúc bồn tử khá phải chăng. Phúc bồn tử đen sẽ giao động trong mức giá từ 150.000-200.000 đồng/kg tùy theo thời vụ, mỗi lần thu từ 7 - 8 kg cách nhật (ngày thu, ngày nghỉ) đã giúp cho gia đình có thêm thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch UBND phường Văn Hải, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm cho biết, mô hình trồng phúc bồn tử đen của anh Nguyễn Văn Trinh là một trong những mô hình mới được triển khai trên địa bàn phường. Hiệu quả kinh tế ban đầu khá rõ nét. Với lợi thế là phường nằm trung tâm thành phố Phan Rang, các quán cà phê có nhu cầu rất lớn về loại quả này nên đầu ra khá ổn định. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với chủ vườn, kết hợp với các cơ quan quản lý để tiếp tục theo dõi, hoàn thiện kỹ thuật quy trình chăm sóc, từ đó làm cơ sở để bà con học tập và phát triển mở rộng diện tích nhằm đa dạng hóa cây trồng, là hướng đi triển vọng phù hợp trong phát triển nông nghiệp đô thị ./.

Phạm Trường