00:00 Số lượt truy cập: 2990149

Mô hình trồng rừng, kết hợp trang trại 

Được đăng : 24/10/2020

 

Thực hiện các phong trào do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động; được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự tạo điệu kiện thuận lợi của Hội Nông dân các cấp khuyến khích hội viên và nhân dân chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; gia đình chị Đinh Thị Thủy, (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình, cùng với hội viên, nông dân xã nhà thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới có hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1996, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý, gia đình chị được giao 1 ha để quản lý và canh tác. Chị đã đầu tư vào trồng cây keo lấy gỗ, đến năm 2016 thì được khai thác. Sau khi để đất nghỉ và cải tạo đất, đầu năm 2018 gia đình chị đã trồng lại toàn bộ diện tích trên.Ngoài diện tích đất được giao theo dự án giao đất, giao rừng, diện tích đất canh tác của gia đình là 7.600m2, chị đưa vào trồng mía theo diện vùng nguyên liệu của nhà máy đường. Đất vườn là 5.800m2 gia đình trồng các loại cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Qua nghiên cứu và thăm quan học tập mô hình của các xã bạn, gia đình chị nhân thấy đồng đất và khí hậu của xã Cúc Phương rất thuận lợi cho việc nuôi hươu lấy nhung và nuôi ong lấy mật. Hươu rất dễ nuôi và có khả năng kháng bệnh cao, hệ thống chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi đó, thức ăn lại rất đơn giản, tận dụng được các thức ăn tại chỗ của gia đình, chi phí đầu tư thức ăn thấp và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tại địa phương nguồn thức ăn khá dồi dào, đặc biệt tận dụng được tất cả các sản phẩm hoa màu của nông dân làm ra để làm thức ăn cho hươu. Chị cũng tìm hiểu được việc nuôi ong ổn định hơn và không có nhiều dịch bệnh như các loài vật nuôi khác. Vốn dĩ nghề nuôi ong lấy mật có từ lâu đời, nhưng mấy năm gần đây bắt đầu phát triển nở rộ ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Hội Nông dân xã Quảng Lạc đã thành lập được Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật. Tại gia đình chị có một khoảng vườn nhỏ để đặt đàn ong. Địa bàn là nơi có rất nhiều hoa nên rất phù hợp phát triển đàn ong.

Xác định nuôi hươu lấy nhung và nuôi ong lấy mật là chủ đạo, gia đình đã mở rộng chuồng trại để nuôi hai loại vật nuôi này. Tuy vậy, những năm đầu chưa chủ động được con giống, chưa có kỹ thuật nên phụ thuộc nhiều vào thị trường và thương lái dẫn đến việc thu nhập chưa thực sự ổn định. Sau khi mô hình khép kín và gần như chủ động được con giống, việc lựa chọn đầu ra cho sản phẩm được tính vào những thời điểm được giá, thu nhập được ổn định và từng bước nâng lên. Mô hình của gia đình đã tạo được ra sản phẩm chất lượng và sự tin tưởng của khách hàng. Đến nay, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình tăng dần qua các năm, dao động từ 300 đến 500 triệu đồng/năm. Riêng năm 2017, gia đình có thêm nguồn thu từ khai thác rừng keo là 600 triệu đồng.


kythuatnuoihuoulaynhung

Việc thực hiện đổi mới và áp dụng công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như việc tự chủ con giống, nuôi thương phẩm, nuôi lấy nhung đạt hiệu quả cao, đàn ong được chăm sóc đúng cách cho sản lượng và chất lượng mật cao.

Từ những thành quả đạt được, gia đình luôn hướng dẫn, phổ biến những kinh nghiệm, cách áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cho các hộ khác để đạt hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình là nơi để các hội viên, nông dân trên địa bàn học tập và làm theo, một số hộ cũng đã thành công với mô hình này.

Việc phát triển kinh tế của hộ gia đình luôn thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Ngoài việc thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ của gia đình đối với Nhà nước, gia đình luôn tham gia đầy đủ và tích cực các phong trào của địa phương và của Hội như phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh, các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương; giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, rủi ro đột xuất vượt qua nghèo khó vươn lên.

Là một hội viên nông dân, chị luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng tổ chức Hội. Luôn gương mẫu đi đầu và vận động các hội viên khác tham gia xây dựng tổ chức Hội như vận động nhân dân tham gia vào Hội, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội cấp trên phát động.

Với những thành tích đã đạt được cho bản thân và những đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tháng 10 năm 2020 chị Thủy vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội(14/10/1930-14/10/2020)

Ánh Dương