00:00 Số lượt truy cập: 2987059

Một đời người, một rừng cây - chân lý sống của “lão nông” Trần Báu 

Được đăng : 06/07/2023

tb

Ông Trần Bá Báu (bên trái) giới thiệu vườn giống cây lâm nghiệp của doanh nghiệp.

Đến xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của ông Trần Bá Báu nổi tiếng gần xa. Chúng tôi gặp ông tại mô hình trang trại rộng lớn với đủ các loại cây trồng từ đồi chè, vườn ươm đan xen bắt mắt đến rừng cây gỗ lớn ngút ngàn xanh, tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang giống như một ngôi biệt thự ở thành phố Đà Lạt mộng mơ. Hình như đắm mình vào không gian tươi đẹp, nên thơ, tâm hồn tôi đã chìm vào ký ức từ lúc nào không biết nữa, bời khi ông trò chuyện cởi mở, tự tin pha chút lãng mạn thì âm hưởng của bài hát một đời người, một rừng cây của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cứ hiển hiện trong tôi với những ca từ đầy triết lý:Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai, ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình...Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi”, hình như nhân vật của bài hát đang hiển hiện trước mắt tôi, một người nông dân gắn bó cả cuộc đời với vườn tre, rừng cây, ươm những mầm xanh cho mình, cho đời, cho quê hương, đất nước.

Sinh ra và lớn lên ở vựa lúa Thái Bình, vậy mà năm 1995, theo tiếng gọi của con tim, chàng trai trẻ Trần Bá Báu đã tìm đến xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà làm kinh tế mới. Những năm đầu đặt chân tới xã miền núi heo hút, xa sôi, xã nằm trong diện 135 của Chính phủ. Những năm đầu ở vùng đất mới, gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn vì vẫn chưa thích nghi với môi trường sống và lại phải thay đổi cách thức sản xuất mới. Xuất thân từ vùng quê chuyên cấy lúa, trồng khoai, đến Quảng Sơn, gia đình lại sống chủ yếu dựa vào khai thác rừng và nghề hái chè thuê để bươn trải mưu sinh. Nhìn núi, đồi trập trùng rộng lớn và cằn cỗi mà ngao ngán, chán nản, nhiều lúc muốn quay trở lại quê cũ. Nhưng với ý trí và nghị lực cứ thôi thúc trong ông, không vì gian nan, vất vả mà nản lòng, ông đã mạnh dạn nhận 30ha đất trống, đồi núi trọc để phát triển kinh tế theo mô hình trang trại trồng cây ăn quả, đào ao thả cá kết hợp trồng rừng, cây công nghiệp và ươm cây giống. Nhìn những quả đồi trọc lốc, khô cằn, lấy đâu tiền mà đầu tư cải tạo, lấy đâu tiền mua cây giống, những suy nghĩ đắn đo cứ vương vấn trong đầu chưa có lời giải… Tuy nhiên, cái khó nó ló cái khôn, ông âm thầm tính toán xem trồng cây gì trước, trồng cây gì sau để gối vụ, ông dành 2ha đất tốt để trồng chè, trồng cây ăn trái trong vườn đồi thấp, trồng keo, bạch đàn trên đồi núi cao. Khi cây rừng đến kỳ thu hoạch tỉa, ông xây dựng lò đốt than hoa để lấy than bán cho các hộ cần dùng để có tiền đầu tư vào sản xuất, thay vì bán củi cho xưởng xao chè… Lấy ngắn nuôi dài, diện tích rừng trồng của ông mỗi năm lại mở rộng thêm, dần dần cuộc sống cũng bắt đầu ổn định, nhờ cách làm đó mà gia đình ông đã vượt qua được những tháng, năm gian khó, vất vả để biến ước mơ làm giàu từ đất rừng thành hiện thực. Bằng những nỗ lực của bản thân cùng với tinh thần học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay của các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa phương, hay tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt của các cấp, các ngành tổ chức, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, từ việc phải mua cây giống chuyển sang tự ươm các loại cây để phục vụ trồng rừng của gia đình và phục vụ bà con nông dân tại địa phương.

Hiện nay, mô hình trang trại của ông có tổng diện tích đất trồng cây và vườn ươm    gần 70ha, trong đó có 35ha bạch đàn đỏ, còn lại là rừng keo và một phần diện tích ươm cây giống và ao thả cá. Trên diện tích này, ông Báu cho trồng gối, nên năm nào cũng cho thu hoạch năm sau cao hơn năm trước.  Mô hình sản xuất của ông tạo công ăn việc làm ổn định cho 18 lao động chính và 23 lao động thời vụ. Tổng thu lợi nhuận từ chè, cây ăn quả, rừng gỗ và cung ứng cây giống của ông đạt trung bình trừ chi phí đạt hơn 2 tỷ đồng/năm.

Là hội viện Hội Nông dân xã Quảng Sơn, ông đã gửi trọn cả cuộc đời mình trên mảnh đất quê hương mới, từ một hộ nghèo của xã, bằng nghị lực và sự đam mê với sự nghiệp trồng rừng, ông đã vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên phát triển kinh tế trồng rừng, phủ xanh đất trống ,đồi trọc, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Quảng Ninh, là tấm gương sáng cho cho các hội viên, nông dân học hỏi, noi gương.

Không những sản xuất kinh doanh giỏi ông còn rất tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội như: chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ủng hộ số tiền đổ bê tông toàn bộ sân trường Tiểu học Quảng Sơn. Thực hiện chương trình thắp sáng đường quê cụ thể là kéo đường điện về thôn 4, xã Quảng Sơn. 

Hằng năm, ông cùng các doanh nghiệp đi đầu trong công tác từ thiện, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương. Nhiều hộ nghèo không có tiền mua cây giống, ông cho nợ đến khi thu hoạch mới thanh toán. Riêng số cây giống hỗ trợ cho bà con nông dân khoảng 500 triệu đồng, những việc làm như vậy đủ để thấy được tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ bà con nông dân tăng gia sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu.

Với những nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh cùng những đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện, ông đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp các ngành, năm 2022, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen cho nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Đây là động lực rất lớn cho ông cũng như hội viên, nông dân toàn tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu, lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tiến Trình