00:00 Số lượt truy cập: 2855454

Một nhà giáo, hội viên nông dân xã Nông thôn mới vươn lên từ nghèo khó 

Được đăng : 15/11/2022
Về ấp Đông Hòa, xã nông thôn mới Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp hỏi người dân nơi đây ai cũng tự hào khi nhắc đến tấm gương thầy giáo Nguyễn Văn Sóc, sinh năm 1966, thầy là một tấm gương không ngại khó, vươn lên làm tròn trách nhiệm “Vì học sinh thân yêu” và sản xuất giỏi, cuộc sống gia đình từ khó khăn nay ổn định, có nhiều đóng góp cho xã nông thôn mới.

bai-9

 Thầy giáo Nguyễn Văn Sóc bên vườn cam Xoàn sai trĩu

Sinh ra trong một gia đình lao động thuần nông ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thời gian sau đó ông Nguyễn Văn Sóc về ở với ông bà ngoại tại ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông để thuận lợi trong việc học tập. Đây được xem là quê hương thứ 2 của thầy giáo Sóc.

Lập gia đình, với sự nghiệp “trồng người”, một nghề hết sức cao quý nhưng cuộc sống luôn eo hẹp với đồng lương ít ỏi của ông Nguyễn Văn Sóc. Bà vợ ông giáo Sóc không nghề nghiệp, gia đình không đất sản xuất, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Nhằm cải thiện cuộc sống, có thêm thu nhập để trang trải, hai vợ chồng tiết kiệm trong chi tiêu, phấn đấu dành dụm một số tiền để thuê đất chăn nuôi và trồng trọt. Ông mua được 2.000 m2 đất vườn, lên liếp trồng xoài và cam xoàn. Ông tham gia hội viên Hội Nông dân vào năm 2017, được Hội tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ mời tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với sự tìm tòi tham khảo qua sách, báo, mạng internet, học hỏi trong thực tế, ông Nguyễn Văn Sóc tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng dụng vào quá trình sản xuất của mình nên năng suất cây trồng tăng hàng năm.

Ngày thì đến lớp truyền cái chữ cho các học sinh thân yêu, khi về nhà ông lại vác cuốc ra vườn cùng vợ chăm cây, trông mong từng ngày cây đến kỳ đậu quả. Năm 2019, khi địa phương thành lập Đông Tân Hội quán, ông đăng ký tham gia. Tại mỗi lần sinh hoạt ông đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm từ các nhà khoa học, chuyên gia về áp dụng cho vườn nhà. Trong quá trình sản xuất, ông tuân thủ kỹ thuật sản xuất từ các chuyên gia hướng dẫn, ghi chép sổ sách rõ ràng, so sánh từng mùa vụ, để có hướng khắc phục hạn chế, thiếu sót. Thày giáo Sóc tích cực vận động các hội viên nông dân, thành viên Đông Tân Hội quán tham gia các mô hình sản xuất liên kết, nhất là mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hợp đồng. Khuyến khích các thành viên Hội quán áp dụng công nghệ thông tin nhằm chia sẻ thông tin giá cả thị trường, kỹ thuật sản xuất và thành lập nhóm Zalo, có 32 thành viên tham gia. Nhờ đó mà sản lượng tăng hàng năm: năm 2016 thu hoạch được 3,5 tấn cam xoàn; năm 2017 tăng lên 10 tấn. Riêng mùa vụ năm 2021, đợt I đã thu hoạch  được 5 tấn cam xoàn. Sau nhiều năm tích góp, ông Nguyễn Văn Sóc đã mua thêm 4.000 m2 đất ở huyện Chợ mới, tỉnh An Giang, trồng xoài Tượng da xanh, với 352 gốc. Cũng nhờ kinh nghiệm mà cam xoàn vườn nhà có quanh năm. Trừ các chi phí tổng thu nhập vừa cam, vừa xoài hàng năm gần 200 triệu đồng.

Có được thu nhập ổn định, đời sống dần nâng cao, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dậy con cái học hành đầy đủ. Nhưng với tấm lòng nhân hậu, vợ chồng ông giáo Sóc luôn có tinh thần nhường cơm sẻ áo cho bà con.

Hưởng ứng phong trào toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới, trong suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Sóc luôn nỗ lực thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đóng góp cho sự phát triển của xã nông thôn mới Tân Thuận Đông. Hàng năm gia đình ông đã hướng dẫn giúp đỡ ít nhất 23 lao động, trong đó 10 hộ khó khăn; tạo việc làm thường xuyên cho 19 lao động, với mức thu nhập từ 4.500.000 – 5.000.000đ/ tháng; Giúp đỡ 02 hộ cận nghèo thiếu vốn về vốn sản xuất mỗi hộ 25.000.000đ; Hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 45 lao động. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông tích cực tham gia đóng góp số tiền 17.000.000 đồng/năm và nhiều ngày công lao động; đóng góp an sinh xã hội cho địa phương 5.000.000 đồng/năm, trong sản xuất luôn đảm bảo môi trường, tạo môi trường sản xuất thông thoáng, được Hội nông dân xã, thành phố Cao Lãnh đánh giá cao. Nhiều năm liền gia đình được công nhận gia đình văn hóa, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bản thân ông hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, được đồng nghiệp khen ngợi, học trò yêu mến.

Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, Tân Thuận Đông đạt 19/19 tiêu chí NTM, bộ mặt nông thôn ngày càng hoàn thiện hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 92%. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM là 81 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 8,1 tỷ đồng.

Tháng 2 năm 2016, xã Tân Thuận Đông vinh dự được công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, có được thành công này là sự đồng tâm, quyết chí của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của bà con nơi đây và phải kể đến sức đóng góp không nhỏ của những hội viên nông dân đầy nhiệt huyết nhue thày giáo Nguyễn Văn Sóc.

 

Dương Mai