00:00 Số lượt truy cập: 2985666

Một số bệnh thường gặp trên cây xoài mùa mưa 

Được đăng : 24/06/2019

 

Hỏi: Đề nghị Ban Biên tập cho biết cách pròng trừ bệnh trên cây xoài trong mùa mưa? Bạn Trần Thị Phúc, xã Phú Thuận, Đồng Tháp.

Đáp: Các loại cây ăn trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long do canh tác trên vùng đất thấp, dễ ngập úng, thoát nước kém làm đất bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị "nghẹt" và sau đó bị thối. Hậu quả này làm các loài nấm bệnh trong đất rất dễ tấn công gây hại cho cây trồng trong và sau mùa lũ. Hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị "stress", tổng hợp ethylenne bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng, đặc biệt sau khi nước rút. Với cây xoài mà bạn hỏi, chúng tôi xin giới thiệu một số bệnh thường gặp để bạn tiện theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời:

1. Bệnh thán thư (do nấm collectotrichum gloeosporioides)

Đây là bệnh quan trọng nhất đối với xoài, gây hại mạnh trong mùa mưa, có độ ẩm cao và nhiệt độ cao. Nấm gây bệnh hại trên cành non, lá, hoa và quả, thậm chí cả giai đoạn bảo quản sau thu hoạch, có thể phát triển thành dịch và gây mất mùa.

Trên lá đốm bệnh màu xám nâu, tròn hay đa giác tạo ra những đốm cháy và rách lá, cuối cùng làm rụng lá. Bệnh làm rụng hoa và thối đen các chùm hoa, còn trên quả lúc đầu chỉ xuất hiện các chấm nâu nhỏ, sau đó phát triển thành các đốm thối đen, lõm trên mặt vỏ quả, làm quả bị chín ép hoặc thối khi bảo quản.
Dùng Benlate nồng độ 0,1%, Copper-B 0,25% hay Mancozeb 0,3% để phun. Phun từ khi hoa nở đến 2 tháng sau, 7 ngày phun 1 lần, sau đó mỗi tháng phun 1 lần.

2. Bệnh thối quả, khô đọt (do nấm Diplodia natalensis)

Bệnh gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm của mùa mưa. Trên nhánh đọt lá có các đốm sẫm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá biến màu nâu, biên lá cuốn lên. Cành bị khô, chẻ dọc cành bị bệnh thấy bên trong mạch dẫn nhựa tạo thành những sọc sâu.

Bệnh hại quả trong thời kỳ bảo quản và quá trình vận chuyển làm thối phần thịt quả chỗ gần cuống hoặc ở chỗ vỏ bị xây sát hay bầm dập. Quả hái không mang theo cuống cũng dễ bị bệnh xâm nhập và lây lan sau 2-3 ngày.

Phòng bệnh: Tốt nhất là lúc hái tránh làm bầm dập, xây sát quả. Phun Benlate nồng độ 0,01%, Copper-B (0,1%) với lượng 10 lít cho 1 cây trước lúc thu hoạch 2 tuần.

Quả sau khi thu hoạch được xử lý bằng cách: nhúng vào nước ấm 55°C chứa 0,06- 0,1% Benlate để ngăn ngừa bệnh thối quả và thán thư. Cũng có thể nhúng cuống quả hay cả quả vào thuốc gốc đồng hay dung dịch Borax (hàn the) pha loãng nồng độ 0,6%.

Để phòng bệnh cho cây con, khi gép cần chọn mắt ghép tốt trên cây khoẻ và vệ sinh dụng cụ ghép.

3. Bệnh cháy lá (do nấm Macrophoma mangiferae)

Bệnh phát triển trong mùa mưa gây hại lá, cành và quả. Trên quả, đốm bệnh tròn mọng nước sau đó lan nhanh làm thối quả. Bệnh lây lan nhờ nước mưa. Phòng trừ bệnh bằng cách cắt bỏ lá bệnh, các cành bị bệnh để giảm nguồn lây lan. Phun Cooooper-Zn, Coooper-B, Benomil.

4. Bệnh đốm lá (do nấm Pestalotia mangifea)

Bệnh hại lá và quả qua vết thương hay vùng tiếp xúc. Trên lá, đốm bệnh có hình bầu dục to, màu nâu nhạt, tâm xám trắng, có thể làm rách lá. trên quả vùng nhiễm bệnh có màu đen, bị nhăn nheo.

Phòng trị: có thể dùng một trong các loại thuốc Baycor (0,2%), Tilt (0,1%).

benh-dom-la-do-cerocospora-purpurea

Bệnh đốm lá (do nấm Pestalotia mangifea)

5. Bệnh phấn trắng (do nấm Odium mangifea)

Bệnh gây hại trong điều kiện nóng ẩm trong mùa mưa hoặc có sương đêm. Nấm bệnh tạo thành một lớp phấn trắng trên lá non và chùm hoa. Bệnh thường phát triển từ ngọn các chùm hoa lan dần xuống cuống hoa, lá non và cành. Thường hoa bị nhiễm bệnh trước khi thụ phấn và quả còn rất nhỏ đã bị bệnh làm cho quả biến dạng, méo mó, nhạt màu và rụng.

Có thể sử dụng Rovral (0,2%), Anvil(0,2%) phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày, lần 1 khi thấy bệnh xuất hiện.

6. Bệnh muội đen (do nấm Capnodium mangifea)

Nấm bệnh bám thành từng mảng trên lá. Nấm không gây hại trực tiếp vì không hút dinh dưỡng từ cây, nó chỉ phát triển trên chất bài tiết do rầy xanh, rệp dính, rệp sáp…chích hút tiết ra và tạo thành lớp nấm đen bám dính trên mặt lá làm giảm quang hợp của lá, bệnh phát triển mạnh trong mùa nắng.
Phòng bệnh bằng cách phun thuốc để diệt rầy bằng Bassa, Trebon, Thiodan, Dimecron. Có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng hay bột lưu huỳnh với nồng độ 0,2%.

7. Bệnh đốm đen (do vi khuẩn Psodomonas mangifrae)

Bệnh thường gây hại trên cành non, lá, cuống lá, cuống quả gây rụng lá, rụng quả khi còn non.

Phòng trị bằng cách cắt bỏ các cành lá bị bệnh. Phun các loại thuốc có gốc đồng (Cu) như Cooper-Zinc, Kasuran để hạn chế tác hại của bệnh./.

Bích Liên