Ảnh minh họa
1. Bảo quản rơm khô
Sau khi thu hoạch lúa, bà con nên phơi rơm ngay. Khi phơi cần đảo để rơm khô đều và nhanh. Đánh rơm khô thành đống, có mái che mưa hoặc nén vào bao tải và đưa vào nhà kho cất giữ.
Lưu ý khi sử dụng:
- Nên bổ sung 0,5 – 1 kg rỉ mật/3 kg rơm bằng cách pha rỉ mật với nước theo tỷ lệ 1: 3, thêm chút muối, sau đó tưới ướt rơm để làm mềm rơm, tăng giá trị dinh dưỡng và tăng tính thèm ăn của gia súc.
- Nếu có thức ăn thô xanh nên trộn chung để gia súc ăn được nhiều hơn.
- Cho gia súc uống nước theo nhu cầu.
2. Ủ rơm với urê
- Có thể ủ rơm tươi hoặc rơm khô. Chọn rơm óng, sáng màu, không dính bùn đất, không ẩm mốc, tốt nhất là rơm thu từ máy gặt đập liên hoàn vì rơm được chạy qua máy sẽ mềm, dễ thấm nước và các phụ gia khi trộn.
- Ủ rơm bằng hố ủ bê tông hoặc hố lót nilon hay các vật dụng khác. Đối với nông hộ, nên làm hố với sức chứa khoảng 1 tấn rơm, kích thước 1,6m (chiều dài) x 1,2m (chiều rộng) x 1,0m (chiều cao).
Công thức và cách ủ:
*Công thức 1: Áp dụng với rơm tươi
- Rơm tươi: 100kg, Urê: 1,5kg
Cách ủ
- Lót thành hố ủ bằng ny - lông, lót đáy hố ủ bằng rơm khô.
- Cho rơm tươi vào hố hay túi ủ theo từng lớp, mỗi lớp dày 20cm, rải đều urê theo tỷ lệ trên và nén chặt. Lần lượt làm đến khi đầy hố ủ thì phủ bạt hoặc nilon lên bề mặt, che lấp kín hố hay buộc chặt túi ủ để không khí, nước không lọt vào và hơi amoniac không bay ra ngoài.
*Công thức 2: Áp dụng với rơm khô
- Rơm khô: 100kg, Urê: 4kg, nước sạch: 80 - 100 lít.
Cách ủ
- Pha urê vào nước theo tỷ lệ trên, lót hố ủ bằng ny - lông.
- Cho rơm vào hố ủ hay túi ủ theo từng lớp, mỗi lớp dày 20cm, dùng thùng ozoa tưới ướt đều rơm, dùng cào trộn đều, sau đó nén chặt, lần lượt làm đến khi đầy hố ủ.
Chú ý:
- Kiểm tra túi ủ, hố ủ trước khi đưa vào ủ, không dùng túi thủng, rách.
- Che chắn hố ủ, tuyệt đối không để hố ủ, túi ủ bị ngập úng hay bị mưa tạt vào hố ủ gây thối, hỏng.
- Sau khoảng 2 – 3 tuần là có thể cho gia súc ăn. Rơm ủ chất lượng tốt có màu nâu vàng, mùi hăng của amoniac. Nên sử dụng rơm ủ trong khoảng 3 tháng tính từ khi ủ.
- Lấy thức ăn từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, mỗi lần lấy đủ cho gia súc ăn. Khẩu phần ăn mỗi ngày khoảng 3 – 6 kg rơm ủ/con, tùy thuộc vào lứa tuổi và thể vóc của gia súc. Lấy xong cần đậy kín ngay hố ủ.
- Trước khi cho gia súc ăn nên tãi rơm đã ủ ra cho bay bớt mùi hăng, cho gia súc tập ăn bằng cách trộn chung với cỏ hoặc thức ăn thô xanh. Khi gia súc ăn quen thì không cần tãi và trộn chung với thức ăn xanh nữa.
3. Ủ chua thức ăn xanh
- Nguyên liệu: các loại cỏ tự nhiên, cỏ voi, cỏ VA 06, ngọn và lá cây ngô sau khi thu bắp, thân, lá cây lạc sau thu hoạch, ngọn, lá sắn, lá dứa...
- Nguyên liệu bổ sung so với khối lượng cỏ đem ủ chua: cám ngô (hoặc cám gạo, bột sắn) 2 - 3% + rỉ mật 2 - 3% + muối 0,5 - 1%.
Chú ý:
-Thu hoạch cỏ voi hoặc cỏVA06 để ủ khi cỏ đạt chiều cao 1,5 m trở lên. Không nên ủ chua cỏ quá già hoặc quá non, nếu cỏ non cần phơi héo để làm giảm tỷ lệ nước trước khi ủ. Đối với cây ngô, tốt nhất thu hoạch khi cây có bắp chín sữa.
- Thực hiện ủ chua khi thời tiết nắng ráo.
Cách ủ:
- Cân cỏ, cây ngô theo đúng tỷ lệ và kích thước hố ủ.
- Băm, thái nguyên liệu với độ dài 3 - 7 cm.
- Đưa cỏ hoặc cây ngô đã băm thái vào hố hoặc túi ủ theo từng lớp, mỗi lớp dày 20cm, nén chặt, rải đều cám, muối, rỉ mật theo công thức, tiến hành lần lượt theo từng lớp đến khi đầy hố hay túi ủ.
- Phủ một lớp cỏ hoặc rơm khô lên miệng hố hay túi ủ, che đậy kín hố hoặc buộc chặt túi ủ. Che đậy, bảo quản nơi râm mát, tránh mưa hắt làm hỏng thức ăn ủ chua.
*Kiểm tra chất lượng thức ăn sau khi ủ và cách cho gia súc ăn
- Sau 3 tuần có thể sử dụng cho gia súc ăn. Thức ăn ủ chua tốt có màu vàng sáng, mùi chua nhẹ.
- Trước khi cho gia súc ăn cần kiểm tra thức ăn có bị thối, mốc hay có mùi lạ không, nếu thấy có các dấu hiệu đó thì không nên cho gia súc ăn.
- Có thể cho gia súc ăn với khẩu phần 5kg/100kg thể trọng/ngày, ban đầu tập cho gia súc ăn bằng cách trộn lẫn với thức ăn xanh.
Bắc Hà