00:00 Số lượt truy cập: 2914570

Một số biện pháp tăng cường bảo vệ vật nuôi thủy sản trong mùa mưa bão 

Được đăng : 27/08/2024

 

Nuôi trồng thủy sản là nghề phải đối diện với nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, nhất là trong mùa mưa bão. Những cơn mưa lớn, kéo dài làm thay đổi môi trường nuôi theo chiều hướng xấu. Những sự thay đổi này làm động vật thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút,…từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi thủy sản. Ngoài ra, mưa lũ còn phá hủy các công trình nuôi trồng như bờ ao, bể, lồng bè, đăng chắn,…làm thất thoát vật nuôi ra ngoài môi trường, gây thiệt hại cho người nuôi. Để hạn chế tác động xấu của môi trường đến sức khỏe tôm, cá nuôi và nguy cơ thất thoát tài sản, sản phẩm thủy sản trong ao đầm, lồng nuôi do ảnh hưởng bất thường của thời tiết và mưa lũ trong tình hình hiện nay, đề nghị bà con cần thực hiện một số biện pháp sau đây để ổn định môi trường nuôi, bảo vệ thủy sản nuôi và tài sản:

 1. Đối với vùng nuôi cá trong ao:

- Khẩn trương thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.

- Trước mùa mưa lũ: Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao cho chắc chắn, bờ ao và đầm nuôi nên cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5m. Kiểm tra hệ thống xả tràn cho ao nuôi. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát cá nuôi. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao, đầm để việc thoát nước được dễ dàng.Chuẩn bị máy bơm nước chống ngập khi cần thiết.

- Khi mưa lớn kéo dài, nước ao, đầm nuôi sẽ bị đục, phân tầng nước, độ pH bị giảm đột ngột, nên bón vôi với liều lượng 2-3kg/100 m3 cho các ao, đầm nuôi để ổn định pH hoặc dùng một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản như: TCCA, BKC, Chlorine,... theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để khử trùng nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng. Điều chỉnh lượng thức ăn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.

- Sau bão, mưa lớn nếu có rác, lá rụng, xác chết gia súc gia cầm… ở các khu vực xung quanh ao, hồ cần thu gom, chôn lấp đúng quy định để tránh làm cho môi trường nước bị ô nhiễm.

2. Đối với cá nuôi lồng, bè trên sông

- Tiến hành thu hoạch cá nếu đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa lũ.

- Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống điện, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hỏng lồng. Khi mưa, bão mực nước các sông có thể dâng cao, tốc độ dòng chảy lớn do đó, cần gia cố mũi lồng bằng tấm chắn (lưới chắn rác), thả thêm rọ đá ở góc lồng nuôi.

- Các hộ nuôi thực hiện định kỳ, thường xuyên các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá như: bổ sung Vitamin vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng, treo túi vôi hoặc treo viên (TCCA) để khử khuẩn, phòng bệnh cho cá; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng. Giảm lượng thức ăn cho ăn khi có mưa bão, nước sông bị đục để hạn chế ô nhiễm lồng nuôi, tránh lãng phí.

- Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của thú y xã để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước tránh để ô nhiễm môi trường gây phát sinh dịch bệnh.

3. Đối với vùng nuôi tôm

- Khẩn trương tiến hành thu hoạch tôm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm.

- Tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm nhất là khu vực nuôi tôm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão gió. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.

- Khi xảy ra mưa lũ, độ mặn của nước trong ao nuôi sẽ biến động rất mạnh. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước: Trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao, để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cửa phai của cống thoát. Đối với các vùng nuôi đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ ao trước khi mưa phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

- Bước vào mùa mưa lũ, các thông số môi trường sẽ có sự biến động lớn làm cho tôm yếu, giảm sức đề kháng. Do đó, các cơ sở nuôi cần có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm định kỳ 10 - 15 ngày/đợt, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày.

4. Đối với người nuôi:

- Trước mùa mưa bão, bà con cần kiểm tra, vệ sinh, gia cố lại bờ ao, lồng bè nuôi cho chắc chắn.

- Bờ ao đảm bảo cao hơn đường đi và khu vực xung quanh nhằm đảm bảo nước mưa không thể tràn được xuống ao. Lồng bè được gia cố lại dây neo buộc, vệ sinh lồng lưới, thay các lồng cũ, rách kém chất lượng, di chuyển lồng bè vào nơi kín gió, tránh dòng chảy siết.

- Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tuyệt đối tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống bão lụt của cơ quan quản lý địa phương; không ở lại chòi canh khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin (báo, đài phát thanh truyền hình…) để chủ động ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả./.

 

 

Kiểm tra lồng bè nuôi thủy sản trước mùa mưa lũ (Ảnh ST)

 

Thu Hà