Năm 1996 ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nhập về 100 trứng đà điểu giao Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia ấp nở và nuôi thử nghiệm. Đến nay đàn đà điểu của Việt Nam đã phát triển tốt, mở ra một ngành chăn nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, của Việt Nam và phù hợp với khả năng đầu tư đối với các hộ gia đình, trang trại, Hợp tác xã, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi; để làm chuồng nuôi đà điểu không tốn kém, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, giúp cho việc chăn nuôi đà điểu thuận lợi, cần nghiên cứu một số nội dung liên quan trước khi quyết định làm chuồng nuôi.
1. Đà điểu là giống chim lớn, ưa vận động
Đà điểu là loài chim, thuộc lớp chim chạy, đà điểu có thân hình cao, to, khỏe mạnh, không biết bay nhưng chạy khỏe, vận tốc chạy rất nhanh. Cuộc sống hoang dã đà điểu có thể chạy với vận tốc trên 50km/giờ. Trong mùa sinh sản chúng chung sống với nhau thành đàn; sau mùa sinh sản thì chúng tách ra mỗi con một nơi. Giống chim này đa thê, một trống thường giao phối từ 4 – 5 chim mái.
Ngày nay sử dụng phương pháp nuôi nhốt trong một khu đất rộng lớn, có thể thả vào đó hàng trăm con, cho chúng thành đàn như cách gà nuôi thả vườn, nhưng diện tích phải đủ lớn.
Dù được thuần hóa đã lâu, nuôi nhốt lâu ngày, cuộc sống ổn định, gần người chăm sóc, nhưng đà điểu là loài vật nuôi nhút nhát, sợ người qua lại, ồn ào; khi có tiếng sấm sét, hay tiếng động mạnh chúng dễ bị giật mình, sợ hãi chạy nhanh về phía trước để mong tìm cách thoát thân.
2. Cách xây dựng chuồng nuôi đà điểu
Chọn nơi đất cao không bị ngập nước, tránh xa khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị, càng yên tĩnh càng tốt. Đà điểu là giống vật nuôi lớn, thân cao tối đa đến 2m50 và nặng đến 150kg; nên chuồng trại nuôi đà điểu phải rộng, chuồng phải cao trên 3m có mái che chắc chắn, thông thoáng, nền chuồng không bị ngập nước, phải có sân chơi cho đà điểu vận động.
Chuồng nuôi đà điểu gồm có hai phần:
Phần chuồng có mái che mưa, che nắng: diện tích tủy thuộc số lượng vật nuôi.
Sân, bãi chăn thả: Đây là phần chiếm diện tích lớn, chiều rộng tối thiểu 50 m, chiều dài 100m để đà điểu vận động; chuồng phải quây bằng lưới B40 cao 2,5m, hoặc xây bằng gạch, hay quây bằng tôn; nền sân bằng phẳng, trải cát sạch là tốt nhất, không có vật cứng như sắt, đá, gạch, sỏi…, không ngập nước.
Nếu nuôi đà điểu sinh sản thì phải làm ổ đẻ bằng cách tìm nơi cao, phẳng, đào sâu 50cm, kích thước dài 1m, rộng 50cm, đổ cát sạch, phía trên có mái che cao 3m làm rộng để che mưa, che nắng.
Nếu nuôi với số lượng nhiều, đất rộng có thể ngăn làm nhiều ô chuồng kề sát nhau.
Trong chuồng phải thiết kế máng uống để chứa nước sạch cho đà điểu uống.
P. Loan