00:00 Số lượt truy cập: 2662934

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2018 

Được đăng : 16/01/2019
Qua một năm thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác Hội và phong trào nông dân, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác Hội và phong trào nông dân. Xin điểm qua một số kết quả nổi bật.

 

1. Về công tác tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ: Hai ngành đã xây dựng cơ chế phối hợp và cộng tác viên với các nhà khoa học, các tác giả nghiên cứu, các viện, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học…. để cung cấp các thông tin khoa học cho hội viên nông dân cả nước. Bản tin “Khoa học với nhà nông” và Website “Khoa học cho nhà nông” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong năm đã cung cấp gần 400 tin, bài, quy trình về KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay có trên 417.320  lượt người truy cập vào Website này. Bản tin “Khoa học với nhà nông” đã phát hành 6 số với 9.000 cuốn đến cấp tỉnh, huyện và một số xã.

Trong năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức sản xuất trên 8.400 đĩa DVD gửi đến các cấp Hội nông dân, điểm bưu điện văn hóa xã để tuyên truyền các gương nông dân nghèo vượt khó, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thành công và đã có nhiều hộ trở thành hộ khá giàu. Tổ chức bình chọn và vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ nhất năm 2018 có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đài Truyền hình VTC16 tổ chức truyền hình trực tiếp … nhằm vinh danh các nhà khoa học, các hội viên nông dân trong cả nước đã có những phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học trong nông nghiệp phục vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Trên kênh thông tin khác của Hội Nông dân Việt Nam như: Cổng thông tin điện tử của Trung ương hội, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới đều mở các chuyên trang hoặc một chuyên đề và thông tin khoa học công nghệ, nêu gương các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nông dân tham khảo và kết nối. Ở các tỉnh, thành Hội đến nay hầu hết Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã có Bản tin công tác Hội, Website kết nối và chia sẻ thông tin với các kênh thông tin về khoa học và công nghệ trong và ngoài ngành phục vụ cho công tác tuyên truyền kịp thời đến đông đảo bạn đọc cả nước, trong đó có nhiều chuyên mục như các chính sách về Khoa học và công nghệ, nông dân học nông dân, thành tựu khoa học công nghệ, nông dân cần biết, Videoclip…Cùng với các kênh thông tin, các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông trong năm 2018. Hội Nông dân các tỉnh thành phố đã tổ chức được 27.873 cuộc tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hội nghị, Hội thảo đầu bờ, các mô hình trình diễn.

2. Về công tác tập huấn cho nông dân: Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức 36 lớp tập huấn tại 12 tỉnh cho 3.150 lượt người tham gia về sử dụng chế phẩm AT vi sinh và xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng, đồng thời hướng dẫn cho nông dân phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh bón cho đồng ruộng, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường sống ở cộng đồng dân cư.

Các tỉnh thành, Hội đã tổ chức được 10.991 lớp với 607.478 lượt người tham gia, như Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tập huấn 2.204 lớp với 200.000 lượt người tham gia; Hội Nông dân thành phố Cần Thơ tập huấn 1.070 lớp với 33.697 lượt  người tham gia; Hội Nông dân tỉnh An Giang tập huấn 614 lớp với  23.304lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tập huấn 2.143 lớp với 109.862 lượt  người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tập huấn 445 lớp với 19.693 lượt  người tham gia...

3. Thực hiện chương trình Nông thôn, miền núi và các dự án cấp tỉnh: Các dự án do Trung ương quản lý tập trung vào các dự án ứng dụng các tiến bộ KHCN trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản chất lượng cao đó là dự án nuôi cá chiên trong lồng bè đảm bảo an toàn sinh học tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm chất lượng cao, theo hướng VIETGAP tại 5 tỉnh phía Bắc”,  đó là: tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái và thành phố Hải Phòng;

      Chương trình Nông thôn miền núi năm 2018 các tỉnh đã tổ chức triển khai và thực hiện các dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân; trong đó nhiều tỉnh dự án được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của địa phương. Thông qua các dự án này có nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tính đến hết năm 2018 trong 55 tỉnh báo cáo đã có trên 54 dự án được triển khai với tổng chí phí 34.020.853.804 đồng. Tại Trung ương Hội đã triển khai và nghiệm thu 2 đề tài, 01 dự án cấp bộ.

4. Về tổ chức Cuộc thi Sáng tạo nhà nông lần thứ VII: Cuộc thi sáng tạo nhà nông lần thứ VII (2016-2018) được phát động từ tháng 12 năm 2015, Cuộc thi được triển khai từ cấp Trung ương đến 63 tỉnh, thành, huyện thị, cơ sở Hội và đến từng hội viên, nông dân. Mục đích cuộc thi nhằm khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân cả nước, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng và sản xuất nông nghiệp, nông thôn phục vụ thiết thực cho đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Đến cuối năm 2018 đã có hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật, công nghệ của nông dân gửi về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các giải pháp của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng cao. Hầu hết các giải pháp, sản phẩm dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân nhằm ứng dụng hiệu quả các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Đến nay ở cấp trung ương Hội đã thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi, Ban giám khảo để chấm thi và chọn ra các tác giả, đồng tác giả và tổ chức khen thưởng, trong đó có 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 06 giải khuyến khích và tổ chức trao giải tại tỉnh Quảng Nam.

 

Lê Khôi