00:00 Số lượt truy cập: 2940888

Một số kết quả phối hợp thực hiện giữa Hội Nông dân tỉnh Nam Định với Sở Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 

Được đăng : 03/06/2020

074740nh1

Cánh đồng rau sạch ở Ý Yên

1. Về công tác tuyên truyền

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp được quan tâm thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, do vậy hoạt động khoa học của các cấp Hội trong 5 năm qua đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, góp phần xây dựng tổ chức Hội và các phong trào nông dân vững mạnh và phát triển bền vững.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tuyên truyền Chương trình phối hợp rộng rãi đến hội viên, nông dân trong tỉnh. Phối hợp vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cải thiện đời sống. Nhất là việc ứng dụng, chuyển giao về giống cây, con có năng suất và giá trị cao để phát triển trồng trọt và chăn nuôi, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ thông tin, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, hình thành nghề mới để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, bảo vệ môi trường… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hướng tới một nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng có sức cạnh tranh cao và giá trị ngày càng tăng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Việc tuyên truyền được lồng ghép với các hoạt động của Hội và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác của địa phương, với các hình thức như tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của tỉnh, huyện, cơ sở, tại các buổi sinh hoạt ở chi, tổ Hội…

Hàng năm, hai ngành phối hợp tuyên truyền, cung cấp thông tin về khoa học công nghệ, những kinh nghiệm, điển hình trong nông nghiệp trên Bản tin Nông dân Nam Định, Trang thông tin điện tử (hoinongdannamdinh.org.vn) nhằm thông tin kịp thời những tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, thông tin kinh tế - xã hội đến hội viên, nông dân.Phát hành Bản tin Nông dân Nam Định với số lượng 4.000 cuốn/kỳ làm tài liệu sinh hoạt chi, tổ Hội. Duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử hoinongdannamdinh.org.vn, đến nay đã có gần 19 triệu lượt người tham gia truy cập. Chọn cử 05 nông dân tham gia cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, “Làm nông thời công nghệ 4.0”; Thành lập Hội đồng xét chọn 01 cá nhân tham gia chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2018.

2. Về công tác tập huấn khoa học và công nghệ cho nông dân

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và phòng chống dịch lợn tả Châu Phi cho gần 3.000 lượt hội viên, nông dân ở 10 huyện, thành phố. Tổ chức và phối hợp tổ chức được trên 2.000 buổi tập huấn cho 180.000 lượt hội viên nông dân với nhiều nội dung thiết thực: Hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP; sản xuất rau sạch; tập huấn chuyển giao KHKT trong sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; chế phẩm sinh học, hướng dẫn cách chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi; cách bảo quản, và chế biến nông sản sau thu hoạch… Các huyện, thành Hội thường xuyên phối hợp với trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, các công ty, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về chăm sóc lúa và rau màu vụ xuân, về nuôi trồng thuỷ sản, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm…, phối hợp tổ chức 1.355 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho gần 27.000 lượt hội viên nông dân.

Phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Phương Nam tổ chức 16 lớp tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI xử lý rơm rạ cho trên 2.150 hội viên nông dân trên toàn tỉnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau thu hoạch. Phối hợp công ty TNHH Toan Vân, Công ty Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty phân bón Tiến Nông, công ty Phân lân Ninh Bình hướng dẫn hội viên nông dân cách sử dụng phân bón an toàn, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao; cung ứng trên 50.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân, giúp nông dân trong sản xuất, kinh doanh.

Phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến và trong sản xuất nông nghiệp cho gần 1.000 hội viên nông dân.

Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Năm năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức dạy nghề được 102 lớp cho 3.296 lượt người; phối hợp tổ chức 434 lớp cho 14.105 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%.

Phối hợp tổ chức đối thoại “Nhịp cầu nhà nông” cho trên 2.000 hội viên nông dân của 5 huyện Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản, Mỹ Lộc. Phối hợp với công ty TNHH Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai thử nghiệm 15 mô hình ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng…

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, internet và điện thoại thông minh cho cán bộ, hội viên nông dân”do Tập đoàn Google tài trợ, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 17 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính, internet và điện thoại thông minh cho 425 cán bộ, hội viên nông dân 02 huyện Trực Ninh và Vụ Bản. Tại các lớp tập huấn, học viên được các giảng viên hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; chia sẻ những hình ảnh/video về các buổi tập huấn lên nhóm chung trên mạng xã hội Zalo, facebook; giới thiệu đến các thành viên của CLB những gương hội viên nông dân có mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi…đạt hiệu quả nhằm khích lệ các thành viên tìm tòi, học hỏi và chia sẻ với nhiều hội viên khác. Hướng dẫn cách khai thác, tìm hiểu thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông tin tìm hiểu giá cả thị trường, nơi cung cấp, nơi bán các sản phẩm nông nghiệp mà trên địa bàn hội viên sinh sống đang sản xuất, kinh doanh… Đồng thời giải đáp những nội dung các thành viên CLB chưa hiểu, chưa biết nêu ra trong buổi sinh hoạt. Thành lập và duy trì sinh hoạt 17 câu lạc bộ “Nông dân với internet” trực tuyến, 17 câu lạc bộ “Nông dân với internet” ngoại tuyến. Nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, chủ yếu xoay quanh các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn xã; các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thêm vào đó, các thành viên CLB còn sôi nổi thảo luận, hướng dẫn nhau cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, cách khai thác các thông tin hữu ích trên mạng để phục vụ công việc sản xuất, kinh doanh và đời sống tinh thần: các biện pháp tránh nắng nóng cho gia súc, gia cầm; cách phòng trừ bệnh bạc lá lúa, các giống lúa có khả năng cao chống bệnh lùn sọc đen: giống lúa dự hương, lúa gạo Nhật…, các giống cây con đem lại hiệu quả kinh tế cao, cách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Từ những câu lạc bộ này, một số thành viên đã biết khai thác tốt những thông tin hữu ích trên mạng internet để phát triển kinh tế gia đình như: Anh Vũ Trung Trực (CLB Trung Đông 2) là hội viên nông dân tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất trồng lúa lai cho công ty Cường Tân, thực hiện thành công mô hình máy cấy lúa theo công nghệ mới, tạo việc làm cho từ 5-7 lao động thời vụ, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng; anh Đỗ Văn Sâm (CLB Phương Định 1) ứng dụng hệ thống tưới nước phun sương tự động vào vườn hoa Lan có diện tích vườn gần 200m2.

3. Về công tác triển khai xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân

Để giúp nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông dân, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HNDT về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Phối hợp mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành như Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng để trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình cây trồng và con nuôi có hiệu quả đã và đang được triển khai trên cả nước, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 với chủ đề “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp cùng hàng Việt an toàn, chất lượng”. Sau một thời gian phát động có 72 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp của các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia và đã được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị; Ban Tổ chức đã biểu dương, tôn vinh 40 cá nhân, tập thể tiêu biểu có ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo đã được hiện thực hóa và khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đối với hội viên nông dân, phụ nữ và thành viên các Hợp tác xã trong tỉnh; thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần quan trọng thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

Phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định”.

Phối hợp triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện nông thôn mới Hải Hậu, Nam Định”, tháng 1/2019.

Triển khai xây dựng mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88, hỗ trợ củng cố Hợp tác xã” tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản.

Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình điểm “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” ở xóm B, xã Hải Lý nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; trang bị cho người nông dân các kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Sau thời gian đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao, mô hình đã được nhân rộng ra 34/34 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu và một số xã của huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản.

Tiếp tục sử dụng ứng dụng Phần mềm quản lý hoạt động Hội Nông dân, giúp cho cán bộ trong cơ quan quản lý công văn đi đến và lập hồ sơ công việc được thuận lợi, tra cứu nhanh, quản lý khoa học; khai thác thông tin chính xác, kịp thời; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh uỷ; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác tổ chức xây dựng Hội và thực hiện các phong trào nông dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Về công tác xây dựng và triển khai các dự án khoa học và công nghệ tại địa phương

Ngày 10/02/2017, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 278/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đợt I năm 2017 giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân tỉnh thực hiện trong 6 tháng (từ tháng 2/2017 đến tháng 7/2017) với tổng kinh phí 329.000.000 đ (Ba trăm hai mươi chín triệu đồng) được cấp từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh Nam Định. Hợp phần của dự án đã trang bị một số máy, thiết bị tin học cơ bản, xây dựng lại toàn bộ hệ thống mạng Lan trong cơ quan Hội Nông dân tỉnh; Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động Hội Nông dân; Đào tạo tin học cho cán bộ Hội từ tỉnh đến các huyện, thành Hội. Dự án đem lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, điều hành và công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội Nông dân tỉnh.

+ Việc ứng dụng Phần mềm quản lý hoạt động Hội Nông dân đã giúp cho cán bộ trong cơ quan gửi, nhận văn bản, trao đổi công việc một cách trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ trong cơ quan khi truy cập hệ thống sẽ nắm bắt được các công việc mình phải tiến hành, người tham gia cùng và các hỗ trợ cho công việc. Giảm thiểu việc lưu trữ bằng văn bản.

+ Lập danh sách, lưu trữ và quản lý đội ngũ cán bộ Hội các cấp từ tỉnh tới chi Hội phó, với tổng số trên 6.000 cán bộ Hội được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu.

+ Việc quản lý công văn đi đến và lập hồ sơ công việc được thuận lợi, tra cứu nhanh, quản lý khoa học; tra cứu, khai thác thông tin chính xác, kịp thời; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh uỷ; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác tổ chức xây dựng Hội và thực hiện các phong trào nông dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phối hợp với Trung tâm ứng dụng, dịch vụ Khoa học Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thiết lập và duy trì trang thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân truy cập.

Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông vận - Trung ương Hội triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất Cà chua thương phẩm chất lượng cao, theo hướng VietGAP tại một số tỉnh phía Bắc” tại xã Nghĩa Thành huyện Nghĩa Hưng với quy mô 04 ha.

5. Về công tác hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ… đối với các nông sản địa phương

Phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho trên 200 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân các cấp, tổ trưởng tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh: Các nội dung, thông tin, kiến thức về vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản địa phương; Các biện pháp quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cách thức lựa chọn sản phẩm để xác lập quyền, quy trình, thủ tục và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm giúp các đơn vị, địa phương phát triển hơn nữa các nhãn hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ…

Phối hợp với Công ty Gạo sạch Toản Xuân tuyên truyền, nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổ chức trồng lúa theo vùng quy hoạch, xây dựng thương hiệu gạo sạch Nam Định với80 hộ hội viên nông dân tham gia tích tụ ruộng đất ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao thủy với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu do công ty lựa chọn. Gạo sản xuất đến đâu sẽ đóng gói tới đó, trên mỗi bao bì đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, bên góc trái túi gạo được Công ty in sẵn tem QRC màu xanh, là tem truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hiện sản phẩm gạo sạch của Công ty TNHH Toản Xuân đang được tiêu thụ tại Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam..., tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

6. Các nội dung khác đã tổ chức triển khai

Nhiều đề tài khoa học được Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi mang tính khảo nghiệm để giúp các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu, đối chứng và từng bước áp dụng rộng rãi vào đời sống, góp phần phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.

- Nghiên cứu giải pháp phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới của huyện Hải Hậu. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Viết Đăng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

- Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Nguyễn Tuấn Sơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

- Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tuần hoàn và tái sử dụng chất thải của một số làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Tiến Anh, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Chương trình phối hợp giữa hai ngành trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Các nội dung phối hợp đã được triển khai hàng năm và đạt được hiệu quả cao. Các lớp tập huấn về chuyển giao KHKT đã giúp cho hội viên nông dân có thêm những kiến thức mới về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đúng kỹ thuật, góp phần nâng cao nhận thức, cách làm của nông dân; nâng cao năng lực và trình độ sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Đồng thời việc hỗ trợ nông dân định hướng sản xuất, xây dựng các mô hình, ứng dụng các kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh chất lượng cao.