Chương trình tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là (i) phát triển khoa học công nghệ về giống (bao gồm bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nuôi giữ giống gốc, chọn tạo giống); (ii) phát triển sản xuất giống; (iii) hoàn thiện hệ thống giống và ưu tiên triển khai thực hiện trên những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền. Đối với các cây trồng, vật nuôi khác; căn cứ yêu cầu thực tiễn, các bộ và địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Chương trình này trong từng giai đoạn cụ thể. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2030, chia theo 2 kỳ kế hoạch (2021 - 2025 và 2026 - 2030). Tổng mức vốn thực hiện Chương trình là 103.050 tỷ đồng.
Chương trình được triển khai thực hiện trên quy mô cả nước. Nguồn ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các cơ quan Trung ương và các địa phương chưa tự cân đối ngân sách; những địa phương đã tự cân đối ngân sách, chủ động tổ chức thực hiện đầu tư các dự án theo mục tiêu, nội dung Chương trình. Tính mới của chương trình lần này là nếu trước kia chỉ tập trung vào lưu giữ giống gốc, phát triển giống chủ yếu ở khối công lập như các viện, trường thì sang giai đoạn tới sẽ đầu tư sâu cho khối doanh nghiệp, tư nhân, thiết kế theo chuỗi từ nguồn gen phục vụ chọn tạo đến chương trình chọn tạo giống cho những đối tượng chủ lực phục vụ tái cơ cấu. Chương trình sẽ huy động đa dạng nguồn lực của xã hội với cơ cấu vốn rất rõ phần nào của trung ương, của địa phương đặc biệt là của các doanh nghiệp và các thành phần khác kể cả nông dân.
Chương trình phấn đấu đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành trồng trọt đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; 100% diện tích (chè, cao su, chuối), 80-90% diện tích (cà phê, điều), 70-80% diện tích (cam, bưởi), 40-50% diện tích (hồ tiêu, sắn) trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; trên 95% giống nấm được sử dụng đạt tiêu chuẩn cấp 1; sản xuất giống rau trong nước đáp ứng 25-30% nhu cầu. Ngành lâm nghiệp, tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%. Ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85-90%. Ngành thủy sản đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tôm thẻ chân trắng bố mẹ được sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu; 100% giống tôm thẻ chân trắng, 100% giống cá tra và 50-60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.
Toàn cảnh Hội nghị
(PA)