00:00 Số lượt truy cập: 2940885

Nâng tầm giá trị sản vật quê hương 

Được đăng : 05/09/2023
Hồng Vành khuyên - nông sản đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn, được trồng chủ yếu tại huyện biên giới Văn Lãng đã trở thành một loài cây hàng hóa quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Nhờ ứng dụng công nghệ, cô gái Tày Vương Thị Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) đã sản xuất, chế biến sản phẩm Hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ, tăng giá trị hồng vành khuyên Lạng Sơn gấp 20 lần và dự định xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc.


hong-treo-gio

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, tuổi thơ Thương đã gắn bó với cây hồng Vành khuyên. Đây là giống hồng ngon, nhiều nước nhưng mỗi khi bước vào mùa chín rộ, do không tiêu thụ không kịp nên giá nhiều khi chỉ bán vài nghìn đồng một kg, tỷ lệ hỏng đổ bỏ quá nhiều. Chứng kiến khó khăn bộn bề bề của người trồng, Thương quyết tâm nâng tầm giá trị sản vật quê mình, đưa lại thu nhập cho xứng tầm.

Sau khi tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng Đà Lạt, Hàn Quốc, rồi Nhật Bản, cuối cùng cô đã lựa chọn ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất. Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, cô đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Cô mua sắm thêm máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói... thiết kế theo quy trình khép kín. Đây là mô hình treo gió nhà kính đầu tiên ở miền Bắc bảo quản hồng theo hướng hữu cơ tự nhiên, được thiết kế với các thiết bị đảm bảo giữ cho độ ẩm không khí, ánh nắng phù hợp, chống lại tác hại của khói bụi, ô nhiễm môi trường các vi khuẩn gây hại cho quả. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày. Công suất nhà kính có thể treo được 10 tấn hồng tươi, sau khi treo gió thu được 2 tấn hồng khô thành phẩm.

Để mở rộng sản xuất Thương thành lập Hợp tác xã nông sản Toàn Thương do cô làm Giám đốc với 7 thành viên, phát triển vùng trồng 50 ha theo hướng hữu cơ. Đến nay, cô tập hợp khoảng 10 hộ dân trong huyện cùng hai hợp tác xã mở rộng thêm 20 ha trồng theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, sản phẩm hồng treo gió của chị Thương đã đưa ra thị trường một số tỉnh thành, sản xuất đến đâu bán hết đến đó . Mỗi năm, trung bình mỗi tháng Hợp tác xã Toàn thương xuất bán 500 tấn hồng tươi. Năm 2022, Hợp tác xã Toàn Thương đã cung cấp ra thị trường trên 500 kg hồng vành khuyên treo gió, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp và hơn 30 phụ nữ Tày Nùng tham gia sản xuất trực tiếp.

Chị Thương chia sẻ, trái hồng treo gió thành phẩm bên ngoài dẻo, giòn nhưng bên trong có mật vị thanh ngọt. để có được sản phẩm hồng treo gió ngon, chất lượng và màu sắc đẹp đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ trong từng quy trình. Ngay từ khâu nguyên liệu đến khâu cắt gọt, rồi treo trong nhà kính.

Để quảng bá sản vật địa phương cho khách du lịch, Thương đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn. Sản phẩm được cô đăng ký bản quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, phục vụ việc mở rộng sản xuất sau này.

"Phát triển chuỗi giá trị Hồng Vành Khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc tày nùng vùng biên giới xứ Lạng" của chị Vương Thị Thương Thương là một trong ba dự án giành giải nhất cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp 2023.

Bình Nguyên