Đến mùa thu hoạch, trang trại cam Thiên Sơn hầu như đã được đặt mua từ trước
Cam Thiên Sơnlà loại cam Xã Đoài lòng vàng thuộc vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh là vùng cam ngon nổi tiếng được ông Trịnh Xuân Giáo miệt mài đầu tư theo quy trình sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vào năm 2001, trong một lần may mắn được thưởng thức cam của xã Minh Thành (huyện Yên Thành), ông thực sự bị quyến rũ bởi hương vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong, không hề thua kém quả cam Xã Đoài trứ danh bấy lâu nay. Từ đó ông âm thầm tìm hiểu và thử nghiệm chất đất nhiều nơi trên các xã ven đồi của Yên Thành. Năm 2004, ông đã tìm được mảnh đất 18 ha ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành để bắt đầu dự định của mình. Biết cam là cây trồng “khó tính” đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, thì hiệu quả mới cao nên ông đã cất công đến huyên Quỳ Hợp - thủ phủ cam Vinh để hiểu cách trồng cam. Trong lần đó ông may mắn mời được “vua cam” Nguyễn Hữu Bình, là một người có kinh nghiệm trồng cam trên 35 năm trên đất Quỳ Hợp về phụ trách khâu kỹ thuật trồng và chăm sóc cam.
Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật hàng chục năm gắn bó với cây cam, chỉ sau 3 năm cộng sức đồng lòng của nhiều cộng sự, trại cam Thiên Sơn tốt tươi bắt đầu cho quả bói, chất lượng cam mỹ mãn đúng như dự đoán. Nhờ áp dụng kỹ thuật tốt trong khâu chăm sóc, nên trại cam không có cây nào bị nhiễm sâu bệnh. Tính trung bình 1 gốc cam cho năng suất 100 kg, cá biệt có những cây cho thu hoạch tới 300 kg quả, giá trị trên dưới 10 triệu đồng. Đến nay, cam Thiên Sơn đã có 12 năm thu hoạch và sản xuất theo quy trình sản xuất cam sạch VietGAP, chất lượng nổi trội với vị ngọt thơm của cam Xã Đoài, khiến người tiêu dùng nức lòng mỗi khi được thưởng thức.
Mùa cam đến trang trại đẹp như một bức tranh, có những cây cam đầu dòng cho hàng trăm quả. Cam thu hoạch chủ yếu bán cho thương lái đã đặt hàng trước.Mỗi mùa cam chín, khách hàng nườm nượp đánh ô tô, xe máy từ các nơi về thu mua, vận chuyển hàng tấn cam mỗi ngày đi các nơi tiêu thụ. Trong đó phần lớn thương lái đã gọi điện đặt hàng từ trước. Đến bây giờ có thể khẳng định trại cam Thiên Sơn có một không hai trên đất lúa Yên Thành. Năm 2019, vườn cam cho thu hoạch khoảng 300 tấn, thu về khoảng 9 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt khoảng 50% do đòi hỏi phải chi phí đầu tư chăm sóc lớn như: phân bón, điện phục vụ tưới nước, thuê nhân công làm cỏ, bón phân, thu hái, bảo vệ...
Không dừng lại ở đó, với mong muốn đưa cây cam đặc sản quê hương chinh phục thị trường trước quốc tế, được sự tư vấn và hỗ trợ của Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, ông Trịnh Xuân Giáo và các cộng sự đã tham gia tập huấn, đào tạo bài bản các quy trình tiếp theo từ các chuyên gia nông nghiệp có uy tín để tham gia lấy chứng chỉ GLOBALGAP - chứng chỉ uy tín nhất trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Để đạt được chứng chỉ GLOBALGAP, yêu cầu trang trại cam Thiên Sơn phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm bón, bảo quản sản phẩm đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất.Qua 3 tháng gần ngày thu hoạch với 3 lần kiểm tra toàn diện của các chuyên gia nước ngoài, các chỉ tiêu sản phẩm đều vượt kết quả mong đợi.
Ngày 24/11/2020, trang trại cam Thiên Sơn do ông gây dựng đã được nhận chứng chỉ GLOBALGA, từ đó cánh cửa hội nhập quốc tế đã mở rộng trước mắt với đặc sản cam xứ Nghệ, giúp cho con đường xuất khẩu và tiêu thụ cam của ông được thuận lợi nhất, đến với những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Hiện nay, cam Thiên Sơn đang xuất khẩu cam vào thị trường Nhật Bản thông qua siêu thị AEON. Trang trại cũng đã ký kết hợp đồng liên doanh với công ty ở Nhật để họ cung cấp phân bón na no, thuốc vi sinh, và bao tiêu sản phẩm.
Thành công từ thương hiệu “cam Thiên Sơn” - Yên Thành, những năm qua ông Trịnh Xuân Giáo đã đầu tư trồng 60 ha cam Xã Đoài lòng vàng theo công nghệ Nhật Bản trên địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông) với mục đích tạo dựng thương hiệu “cam Thiên Sơn” - Con Cuông. Cam đang phát triển tốt, năm sau sẽ cho thu hoạch.
Thùy Dung