Trong 10 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ Xuân có nhiều đợt rét đậm, rét hại; giai đoạn chuyển mùa một số địa phương xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá; dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm da cầm,...đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trên Thế giới, trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cung như tiêu thụ nông sản.
Được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, ngành Nông nghiệp và PTNT đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; kịp thời chỉ đạo khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo sản xuất. Do đó ngành nông nghiệp 10 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như:
Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt trên 29.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 5,16%, trong đó nông nghiệp tăng 4,90%; lâm nghiệp tăng 7,84% và thủy sản tăng 7,20%.
Ngành nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập. UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 03/01/2018 về việc phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chính sách hỗ trợ Nông nghiệp ứng dụng công cao như hỗ trợ: Nhà lưới, nhà màng; hệ thống tưới; Công nghệ về Giống, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến ... (Tại Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do đó kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Về Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tỉnh đã thu hút được một số dự án nông nghiệp của các nhà đầu tư lớn và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước như: Chuỗi dự án do Ngân hàng Bắc Á tài trợ tín dụng và vốn đầu tư: Dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung TH (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD), dự án trồng rau và hoa trong nhà kính (vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng), Dự án nhà máy gỗ Nghệ An (vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên (vốn đầu tư 1.177 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF tại huyện Anh Sơn của Công ty CP gỗ MDF Nghệ An (vốn đầu tư 1.754 tỷ đồng); Tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi MavinAustFeed Nghệ An với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng; Dự án Trung tâm giống heo hạt nhân công nghệ cao tại huyện Anh Sơn (với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng)…; Dự án về chế biến gỗ của Cty Cổ phần Năng lượng ĐKC đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất viên nén sinh khối với công suất 120.000 tấn tại Khu công nghiệp Nạm Cấm; Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam đầu tư vàolĩnh vực chế biến gỗ (viên nén sinh khối) 240.000 tấn tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp nông ứng dụng công nghệ cao là: Cty CP thực phẩm sữa TH; Công ty Vinamilk Nghệ An; Nafood group; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi MavinAustFeed Nghệ An; Công ty mía đường Nasu, Công ty cổ phần Việt Úc. Điển hình nhất là dự án chăn nuôi Bò sữa của tập Đoàn TH.Trang trại Bò sữa là TH là trang trại có quy mô chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào loại lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Là điểm sáng trong sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An cũng như cả nước.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC của cả doanh nghiệp và người dân là 26.555 ha; Trong đó diện tích đất trồng trọt là 26.104 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 451 ha; chiếm 8,7%/KH đến năm 2030 là 15-20% diện tích sản xuất đất nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà.
Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021. Đây là một trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lấp sớm nhất trên cả nước. Mục tiêu: Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực Miền Trung.
Ánh Dương