00:00 Số lượt truy cập: 2986408

Nghề dệt thổ cẩm – nơi gửi gắm tâm huyết của người con dân tộc Xê Đăng 

Được đăng : 19/08/2021

at01 

Hàng ngày, bà Trần Thị Kim Hoa vẫn miệt mài truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ địa phương 

Nghề dệt thổ cẩm bao năm nay đã gắn liền với cuộc sống người Xê Đăng ở vùng núi cao Trà My- Quảng Nam. Không chỉ là nghề thủ công truyền thống, những mảnh vải thổ cẩm được dệt bởi bàn tay khéo léo của người dân địa phương còn gửi gắm nhiều nét đẹp trong văn hóa của đồng bào nơi đây. Bằng tâm huyết của một người con Xê Đăng, 40 năm qua, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa không chỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình mà còn miệt mài truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ.

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Xê Đăng được duy trì theo cách mẹ truyền con gái nối nghề. Các sản phẩm thêu thổ cẩm của bà con nơi đây với những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Xê Đăng. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Xê Đăng luôn có ý thức gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm nhưng trong những năm tháng chiến tranh tàn phá, dân làng phải vào rừng sơ tán nên nghề cũng mai một dần.

Sau ngày hòa bình, người dân trong bản đều phải loay hoay với việc dựng lại làng, sản xuất nên nghề dệt thổ cẩm dần vắng bóng. Hơn nữa, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược mở ra, người Xê Đăng bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi. Sự ảnh hưởng của nền công nghiệp đa dạng hóa các mặc hàng mẫu mã, cùng với sự tiện lợi, giá thành rẻ của các sản phẩm may mặc, vải công nghiệp do vậy nghề thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Xê Đăng đang dần mai một. Vì thế, Bà Hoa luôn canh cánh trong lòng mong muốn phục hồi nét đẹp thổ cẩm của đồng bào Xê Đăng để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình, nâng cao đời sống tinh thần, làm tăng thu nhập cho bà con.

Thế nên khi các cấp ủy đảng, chính quyền có chủ trương giữ gìn và khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển kinh tế, bà đã đã quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm, giữ văn hóa của người Xê Đăng. Mặc dù được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương hỗ trợ nhưng bước đầu bà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ lúc sinh ra, những người con gái Xê Đăng như bà đã quen với hình ảnh người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng... Lớn lên, bà đã tự tay thực hiện thành thạo hết các công đoạn dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài không chạm tới khung cửi, bà cũng như nhiều người cùng trang lứa không còn nhớ rõ cách phối màu, điểm nối. Vì vậy, bà phải tự mày mò lại cách dệt để khôi phục nghề, tìm đến các bản làng gặp người cao tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Với tâm huyết và sự cần mẫn của mình, các dải thổ cẩm do bà dệt càng ngày mịn màng, lung linh sắc màu văn hóa. Bà Hoa là một trong số ít nghệ nhân Xê Đăng còn biết cách dệt hoa văn nguyên bản trên thổ cẩm truyền thống. Mùa xuân – mùa lễ hội dân tộc Xê Đăng là lúc người dân đặt hàng may đồ thổ cẩm nhiều, một mình bà dệt không xuể. Chính vì thế, khi tay nghề đã thành thạo, bà không muốn giữ cho riêng mình mà muốn được truyền dạy cách dệt thổ cẩm cho con em và thế hệ con cháu dân tộc mình. Nhiều năm qua, bà Hoa luôn miệt mài tìm người trẻ để truyền nghề. Đến nay bà đã làm được 245 bộ khung dệt và trực tiếp tham gia truyền dạy 7 lớp học dệt thổ cẩm ở xã Trà Cang và xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) cho rất nhiều thế hệ trẻ là phụ nữ người Ca Dong, Xê Đăng. Kết thúc khóa học, chị em biết làm khuôn, dệt những sợi len thành tấm thổ cẩm; biết cách phối màu sắc trên trang phục thổ cẩm để có thể ứng dụng vào đời sống. Đã có những học viên thành thạo hết các công đoạn để tạo ra một tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa người Xê Đăng; từng nét hoa văn, họa tiết mà các học viên gửi vào tấm thổ cẩm nói lên sự khéo léo, sáng tạo của người miền núi. Những lớp học như thế này đã không chỉ góp phần vào việc khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, tôn vinh thêm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Xê Đăng, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các học viên trong thời gian nông nhàn.  Các sản phẩm của bà dệt ra đến đâu tiêu thụ đến đấy, nhờ đó bà có khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm nương. Ngoài ra bà còn giúp giải quyết việc làm cho từ 5-10 lao động tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ nâng cao đời sống kinh tế của gia đình, bà thấy vui vì giúp được nhiều người, góp phần lưu gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương đang dần bị mai một.

Bà Hoa luôn mong muốn nghề dệt thổ cẩm không những giúp chị em tự dệt và may được những sản phẩm sử dụng trong gia đình mà có thể vươn ra thị trường, trở thành hàng hóa, giúp bà con có thể bán để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Về dự định trong thời gian tới, bà mong muốn huyện Nam Trà My sẽ tích cực thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng và được nhiều du khách biết đến, sản phẩm chị em làm ra được kết nối với một số doanh nghiệp, các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch, tạo điều kiện cho bà con làng nghề có thể tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ những tâm huyết của bà Hoa mà nghề dệt thổ cẩm ở Trà Cang được khôi phục, qua đó gìn giữ được bản sắc văn hóa của người Xê Đăng, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa giàu bản sắc của người Xê Đăng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước. Năm 2020, vinh dự đại diện cho hội viên nông dân tỉnh Quãng Nam tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, giai đoạn 2015 – 2020.

Lan Phương