Ông Hoàng Văn Chất (người đứng thứ 4 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cam với các nông dân tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm
Năm 1978, vừa tốt nghiệp cấp 3, ông lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 1981, ông được đơn vị cử đi học trung cấp y, sau khi học xong, ông về công tác tại Bệnh viện Quân y 6. Năm 1983, ông lập gia đình và đến năm 1989, do hoàn cảnh nhà neo người, bố mẹ già yếu cần chăm sóc, ông xin phục viên. Những ngày đầu trở về địa phương, cuộc sống vô cùng khó khăn, bằng nghị lực của một người cựu chiến binh, ông bắt tay vào khai hoang phục hóa, trồng mía và một số loại cây ăn quả. Cũng thời gian này, tỉnh Sơn La có chủ trương đưa cây cà phê vào trồng trên quy mô lớn tại một số địa phương. Ở Chiềng Mai, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên đăng ký trồng cà phê. Tuy nhiên, việc trồng cà phê phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, đất nhanh bạc màu, phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thị trường tiêu thụ lại không ổn định, nhiều diện tích cà phê liên tục bị thiệt hại bởi sương muối, hạn hán.
Không chịu lùi bước, ông mua các tài liệu kỹ thuật và sách liên quan đến đất đai, cây trồng để nghiên cứu, tìm loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; trau dồi thêm kinh nghiệm để cải tạo đất dốc, bạc mầu, trồng cây gì thay cây cà phê mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau một thời gian rong ruổi khắp nơi tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn quả từ Hà Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Nghệ An … Năm 2014, hưởng ứng chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Ông vay mượn vốn, đầu tư cải tạo đất và mua cây cam giống V2 về trồng. Đây là giống cam đã được ông nghiên cứu rất kỹ, thích nghi với phạm vi sinh thái rộng, dễ phù hợp với điều kiện khí hậu nhiều miền khác nhau, đặc biệt là không bị ảnh hưởng của sương muối. Chỉ một thời gian sau cây sinh trưởng rất tốt. Thừa thắng xông lên, năm 2015, ông tiếp tục phá bỏ thêm diện tích trồng cà phê để trồng cam giống C36, cam đường canh, bưởi da xanh. Đây cũng là thời điểm gia đình ông được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Là người ham học hỏi, ông đã tự nghiên cứu, cải tiến hệ thống tưới ẩm phù hợp với gần 5 ha cây ăn quả.
Xác định phát triển vườn cây ăn trái theo hướng nông nghiệp sạch nên tất cả các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap. Ông hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên dùng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên làm cỏ quanh gốc và tỉa cành, loại bỏ các quả nhỏ để giúp cây khỏe cho quả to, ngon. Đất không phụ công người, năm 2017 vụ đầu tiên gia đình ông thu hoạch hơn 30 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng, số tiền này được ông tái đầu tư sản xuất và xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò sinh sản để chủ động nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả. Những năm tiếp theo, sản lượng các loại quả và thu nhập liên tục tăng, năm 2018, trừ chi phí, thu về hơn 900 triệu đồng; năm 2019, thu 1,7 tỷ đồng; năm 2020 thu lãi gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình ông có 4700 gốc cây ăn quả, trong đó cam các loại là 4000 gốc, bưởi Diễn và bưởi da xanh là 700 gốc. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và gần 30 lao động thời vụ, với mức tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn cho 40 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã vay vốn sản xuất không lấy lãi bằng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, năm 2018 ông đã vận động thành lập Hợp tác xã Trường Tiến do ông làm Giám đốc với 12 thành viên ban đầu. Đến nay, Hợp tác xã đã phát triển lên 22 thành viên chuyên trồng các loại cây ăn quả như cam vinh, cam đường canh, cam V2, bưởi da xanh, nhãn, xoài, rau xanh, chăn nuôi bò sinh sản … Hằng năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường trên 300 tấn quả các loại, 200 tấn rau xanh, 80 tấn nấm … thu lợi nhuận trên 13 tỷ đồng. HTX còn mở rộng dịch vụ cung cấp cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, trong đó ưu tiên những nông dân có nhu cầu ở các bản vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh Sơn La và cam kết bảo hành cây giống trong 3 năm, khi có sản phẩm HTX sẽ đưa vào chuỗi tiêu thụ. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh từ 5-8 vạn cây giống ăn quả chất lượng cao các loại.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Chất không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản, xã giảm nghèo, từng bước vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và có nhiều đóng góp cho công tác xã hội tại địa phương. Ông vinh dự được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.
Linh Đan