Sau bao biến cố cuộc đời, chị Y Thị Loan (dân tộc Mường) đã bén duyên và trụ lại mảnh đất đầy nắng gió ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Chính tình yêu, sự quyết tâm đã khiến vợ chồng anh chị vượt qua khó khăn, khổ cực để gây dựng, nuôi dưỡng, giữ gìn mái nhà hạnh phúc trong suốt gần hai chục năm qua.
Năm 2002, chị đưa đứa con còn nhỏ dại từ Hòa Bình vào Tây Nguyên sinh sống. Trời run rủi cho chị được gặp và xây dựng gia đình cùng anh K’Sar, người dân tộc Ê đê. Cũng như các gia đình khác ở đây, đời sống kinh tế của gia đình chồng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán truyền thống lạc hậu, năng suất đạt thấp, quanh năm thiếu ăn. Cà phê là cây chủ lực, phổ biến, gắn bó bao đời với bà con Ê đê, nhưng do chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và sản lượng không đáng kể. Chính vì vậy, cái đói, cái nghèo vẫn đai dẵng bám theo. Đến bây giờ chị vấn nhớ như in những ngày đầu gặp anh, lúc đó anh cũng nghèo lắm, tay trắng chẳng có gì nhưng chị cảm mến anh vì sự chăm chỉ, hiền lành.
Quanh năm làm thuê, làm mướn mãi, rồi anh chị mới gắng phát được ít vườn, làm cái chòi lên ở. Có sức lực, anh chị quyết tâm tìm hướng đi để bứt ra khỏi cái đói, cái nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất; anh chị đã xác định được cây trồng chính, phù hợp với điều kiện ở địa phương không có cây gì khác ngoài cây cà phê. Nhờ khai phá và dành dụm, gia đình cũng đã có ít vườn, nên khi đó chỉ mong có ít tiền vốn. Không có tài sản thế chấp, anh chị chỉ có thể vay nóng lãi cao bên ngoài. May mắn thay, đúng vào lúc đó, 20 triệu đồng vốn chính sách vay từ chương trình giải quyết việc làm như phép màu trong câu chuyện cổ tích, đã cứu cánh hỗ trợ giúp chị những cơ sở đầu tiên cho vườn cà phê.
Sau đó, khi trả xong vốn giải quyết việc làm, anh chị lại được vay tiếp 30 triệu đồng vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vào năm 2012, rồi lại đến khoản 30 triệu năm 2015 để cải tạo chăm sóc cà phê. Vừa có vốn, vừa được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, song song với việc phát triển diện tích cây cà phê, gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi gà và heo rừng.
Trong sản xuất cây cà phê, chị luôn chịu khó học hỏi, áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; đặc biệt chỉ sử dụng phân bón từ phân gà do vậy hằng năm năng suất cà phê của gia đình đạt tương đối cao và ổn định (năng suất bình quân đạt 4,5 – 5 tấn/ha, mỗi năm tiết kiệm được 80 triệu tiền phân bón). Nhờ nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, chịu khó học hỏi để phát triển sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; kinh tế gia đình càng vững vàng hơn. Kết quả đến năm 2011 gia đình chị thoát khỏi hộ nghèo, kinh tế gia đình được đảm bảo. Ngoài việc chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, gia đình đã có tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất, mua đất mở thêm diện tích cà phê, tăng thêm quy mô chăn nuôi gà, chăn nuôi heo rừng, xây dựng nhà cừa rộng rãi, khang trang. Đến nay anh chị đã gây dựng được 3ha cà phê, chăn nuôi khoảng 2.000 congà/lứa, đàn heo rừng với trên 10 con heo nái, cho tổng thu nhập bình quân gần 1 tỷ đồng.
Cũng nhờ khoản vay từ chương trình học sinh, sinh viên nên con trai chị được đi học ngành dược, đã tốt nghiệp ra trường và mở cửa hàng dược ở địa phương nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Anh chị cũng dư dả để tính toán, có thêm điều kiện đầu tư thâm canh và sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Bằng ý chí, nghị lực, chiụ khó của bản thân từ chỗ thuộc diện hộ nghèo đến nay gia đình chị Y Thị Loan đã được xếp vào diện hộ có kinh tế khá giả ở địa phương, 02 năm liền (2018 – 2019) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương. Chị thực sự là tấm gương sáng để nhiều hội viên, nông dân noi theo./.
Gia Bảo