00:00 Số lượt truy cập: 2990877

Người có công đưa trà hoa vàng về vườn nhà 

Được đăng : 01/06/2020

 hoa-tra

Hình minh họa


Nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây trồng bản địa, năm 2015, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Để lưu giữ và phát triển loài cây dược liệu quý này, huyện Ba Chẽ đã xây dựng thương hiệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP, có chỗ đứng vững trên thị trường với kì vọng đây sẽ là giống cây giúp người dân làm giàu. Anh Nịnh Văn Trắng - dân tộc Sán Chỉ ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ là một điển hình đi đầu bảo tồn và khai thác hiệu quả trà hoa vàng.

Trước kia, với bà con ở huyện miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh, trà hoa vàng chỉ là loại cây mọc dại dưới tán rừng. Lá cây này giống như lá trà, đun nước uống thấy ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn thôi chứ không có gì đặc biệt. Năm 2006, thương lái Trung Quốc vào thu mua ồ ạt, mua cả hoa, lá, cây. Đến năm 2008 thương lái đã thu mua với giá1,9 triệu đồng/cân trà hoa vàng hoa tươi. Bà con đổ xô vào rừng vặt lá, bẻ hoa, thậm chí đào cả cây đem bán, đến mức trà hoa vàng suýt bị tuyệt diệt ở Ba Chẽ.

Năm 2006, phát hiện cây trà quý này đem lại giá trị kinh tế cao, anh Trắng vừa thu mua trà hoa vàng tự nhiên của bà con trong bản, vừa tìm cây giống để ươm trồng. Giống cây trà hoa vàng vốn thích nghi với vùng rừng ẩm ướt, để tìm được cây, anh cùng bà con dân bản phải lặn lội vào rừng sâu, vượt qua cây cối rậm rạp để tìm cây. Anh thuê người, thuê máy đào, san lấp mặt bằng, mua hàng chục tấn phân chuồng trộn vào đất tạo thành một khu đất cao, bằng phẳng. Đầu tiên anh mua 1.000 cây giống mất tầm 300 triệu. Còn về sau, anh vừa cải tạo đất, vừa tiếp tục thu gom cây trà hoa vàng từ bà con trong bản. Năm 2014, là năm đầu tiên vườn trà của anh chính thức cho thu hoạch. Sản lượng đạt khoảng hơn 1 tạ tươi, cho doanh thu hơn 300 triệu đồng.

Trước đây cây trà hoa vàng chủ yếu phát triển ngoài tự nhiên, nên khi mới bắt đầu trồng trà, anh Trắng hầu như chẳng có chút kiến thức gì về loại cây mới mẻ này. Do không có kinh nghiệm, không có hướng dẫn của ai, mặc dù chăm bón rất vất vả nhưng số lượng cây sống sót, sinh trưởng tốt không nhiều, tỉ lệ sống chỉ được 50%. Vừa làm, vừa mày mò đúc rút kinh nghiệm. Sau khi đã nắm chắc đặc tính, quy trình chăm sóc cây trà hoa vàng, gia đình anh mới dám trồng nhiều. Mỗi năm chỉ bón phân một lần. Thu hoạch xong bắt đầu cho phân vào, vun gốc cho cây. Phân tận dụng từ chăn nuôi của gia đình, lấy cả phân gà, phân lân trộn với bùn. Điều quan trọng là phải luôn cung cấp đủ độ ẩm cho cây vì cây không thích sống trong điều kiện có ánh nắng chiếu trực tiếp cả ngày, độ ẩm luôn phải đảm bảo. Bên cạnh việc mày mò kĩ thuật trồng và chăm sóc cây, anh Trắng liên hệ với các cơ quan chuyên môn, mời các nhà khoa học xuống tận nơi, một là để biết giá trị thực tế của cây, hai là tìm hiểu cách thức nhân giống. Anh dự định sau khi nhân giống thành công, một phần để mở rộng diện tích trồng, một phần để bán ra thị trường. Vườn cây hoa trà của anh lúc nào cũng xum xuê, tán cây cao quá đầu người, lá to và dày.

Để mở rộng sản xuất, anh Trắng đã thành lập Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh do anh làm chủ, chuyên thu gom sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Anh đã tiến hành đăng kí nhãn hiệu, nhãn mác, tới đây đăng kí mã vạch cho sản phẩm chè hoa vàng. Đến nay doanh nghiệp đã trồng được trên 3ha trà hoa vàng với hơn 1 vạn gốc. Ngoài trồng, sản xuất giống trà hoa vàng, hiện công ty còn đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ trà hoa vàng cho người dân trên địa bàn, để chế biến sản xuất ra 3 sản phẩm OCOP: Trà túi lọc, hoa khô và lá. Nhờ trồng và kinh doanh trà hoa vàng, mà mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng từ giống trà này.

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay sản phẩm trà hoa vàng của gia đình anhđã góp phần làm nên thương hiệu trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trở thành sản phẩm OCOP chủ lực trong phát triển kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu và nhiều hộ dân trở thành tỷ phú nhờ sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Theo nghiên cứu các nhà khoa học, trà hoa vàng là một cây dược liệu quý. Các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu. Loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu…

 

Thanh Bình