Ông Thà chăm chút từng gốc mít Thái
Ông Phan Văn Thà (Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nhớ về những ngày đầu lập nghiệp: sau giải phóng, ông làm giáo viên, cứ sau giờ dạy, hai vợ chồng ông phát rẫy làm vườn đến tận đêm khuya. Năm 1986, nước ta bắt đầu đổi mới, gia đình ông mạnh dạn đầu tư mua đất, từ vài ha rồi dần dần lên hàng chục, rồi hàng trăm ha. Ban đầu, ông trồng các loại cây truyền thống như mía, mì, cao su. Sau đó, do các loại cây này không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước, ông lại tìm hướng đi mới, chuyển sang trồng cây ăn trái.
Năm 2018, ông quyết định phá bỏ 80ha cao su để trồng các loại cây ăn trái, ban đầu là 20ha bưởi da xanh. Mặt khác, ông lặn lội đi khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây để tìm hiểu thêm về các loại cây ăn trái khác. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến giống mít Thái siêu sớm, bởi giống mít này giòn, thơm, không bị dính tay, vị ngọt nhưng thanh và hơi chua chứ không ngọt lịm. Ông đánh giá Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, đầy tiềm năng vì nhiều loại trái cây ở phương Bắc giá lạnh không trồng được, nhất là với mít Thái siêu sớm. Vườn mít Thái siêu sớm của ông trồng từ năm 2018 nhưng ông vẫn tiếp tục dưỡng cây đến tròn 2 năm tuổi mới cho đậu trái sau đó thu hoạch đồng loạt. Kinh phí ông đầu tư cho cả cánh đồng trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là không hề nhỏ. Ông Thà nhẩm tính khoản vốn đầu tư bỏ ra khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Bù lại, đây là mô hình hơn hẳn cách làm truyền thống, nhỏ lẻ.
Tất cả 80 ha cây ăn trái của ông đang được ngành chức năng hỗ trợ để cấp giấy chứng nhận VietGAP, hướng đến GlobalGAP cũng như truy xuất nguồn gốc. Phía đối tác từ nước ngoài cũng đã cấp mã số cho vùng trồng mít này để chuẩn bị cho khâu thu mua. Dù vậy, ông vẫn đang hướng đến đạt các tiêu chuẩn cao hơn để đưa trái mít vươn ra thị trường khó tính hơn.
Vẫn giữ vững tinh thần người lính Cụ Hồ giữa thời bình, khi kinh tế gia đình dần ổn định, vợ chồng ông bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác. Từ năm 1995, mỗi năm, gia đình ông đều dành khoảng 200 triệu đồng để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương; thường xuyên tặng quà, hỗ trợ người nghèo nhân dịp lễ, tết. Đồng thời, gia đình ông tích cực cùng địa phương chăm lo cho người có công với nước, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện ông đang nhận phụng dưỡng suốt đời 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin, 1 quân nhân. Hiện nay, trang trại của ông đang tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 100 lao động tại địa phương.
Chính vì ý chí, nghị lực phi thường, lao động hăng say không mệt mỏi và tấm lòng nhân ái của mình, năm 2019 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã vinh danh ông là nông dân Việt Nam xuất sắc.
Phương Anh