Ít ai ngờ ở một nơi từng được xem là heo hút giữa điệp trùng núi rừng ở thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang lại có trang trại quy mô lớn với nhiều cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Tất cả đều được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp, hệ thống điện, đường, tưới tiêu khá đầy đủ.
Trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Lê Minh Tuân.
Theo chân ông Lê Minh Tuân – chủ nhân của trang trại trên, chúng tôi mới thấy hết được sự cố gắng của ông dồn sức đầu tư cho trang trại trở nên hiện đại. Ông Tuân kể “xưa kia nơi này hoang vắng lắm, cây dại, dây leo mọc chằng chịt. Được như ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc mở đường, kéo điện, vỡ đất khai hoang. Hiện nay, trang trại thường xuyên có khoảng 50 lao động tham gia chăm sóc, quản lý cây ăn quả và hơn 300 ha rừng trồng”.
Là một người trí thú làm ăn, sau bao năm vất vả dựa vào trồng rừng mà kinh tế của gia đình ông ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ông được người dân nơi đây đặt cho cái biệt danh “đại gia” Lê Minh Tuân - tỷ phú trồng rừng.
Nhờ biết áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất rừng trồng của gia đình ông Tuân luôn đạt mức cao, bình quân cho thu hoạch từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/chu kỳ. Sau này, do phải “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư thêm một số lĩnh vực khác nên ông chuyển nhượng bớt diện tích đất rừng, hiện còn hơn 300 ha. Dù vậy, theo tính toán của ông, với diện tích rừng trồng của gia đình, mỗi năm thu về hơn 10 tỷ đồng. Chưa kể, từ năm 2016, ông còn chuyển đổi từ cây bạch đàn sang trồng cam, bưởi ở những khu vực trũng, thấp... nhờ đó mang lại nguồn lợi lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt của mình, ông Tuân cho hay, một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao sản lượng cũng như giá trị rừng trồng đó là phải chọn được giống cây tốt. Ngoài ra, khâu chăm bón cũng hết sức quan trọng. Chứng kiến mô hình hiệu quả của ông, nhiều hộ dân xã Đông Hưng đã học hỏi theo và mang lại hiệu quả cao.
Với kiến thức, kinh nghiệm và từ thành công của bản thân, ông Tuân đã hỗ trợ người dân thôn Cai Vàng về cây giống cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc để nâng cao hiệu quả trồng rừng.
Ông Lê Minh Tuân (người đeo kính) trong trang trại của mình
Gắn bó mấy chục năm với nghề trồng rừng, dường như cuộc đời ông sinh ra là để gắn bó với thiên nhiên núi rừng. Từ khi còn trẻ và đến tận bây giờ, ông vẫn còn nặng lòng với núi rừng khi tiếp tục say mê học hỏi, tìm tòi các mô hình kinh tế mới. “Tôi đang hy vọng tới đây khi mô hình trồng mắc - ca thành công, người dân sẽ chuyển đổi một phần diện tích trồng bạch đàn sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn này”, ông Tuân hào hứng khoe.
Được biết ông Lê Minh Tuân quê ở huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, lớn lên lập nghiệp ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn - nơi có một phần đỉnh núi tiếp giáp với thôn Cai Vàng. Năm 1988, sau khi rời quân ngũ, ông chuyển công tác đến Lâm trường Hữu Lũng 2 (Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam). Từng là cán bộ thu mua, tiêu thụ gỗ và sau này mở nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, nên ông nắm khá sâu những kiến thức, kỹ thuật về lâm nghiệp.
Với kinh nghiệm, chuyên môn khi làm cán bộ lâm trường, ông nhận thấy nguồn gỗ rừng trồng ngày càng khan hiếm, trong khi đất rừng trong dân còn mênh mông, bà con chưa biết khai thác lợi thế đó để phát triển kinh tế. Với nhận định làm lâm nghiệp tuy không giàu nhanh nhưng bền vững, từ những năm 2000, ông nhận chuyển nhượng từ người dân được khoảng 800 ha đất lâm nghiệp để trồng bạch đàn. Những cánh rừng ngày nào còn khô cằn, xám xịt chẳng mấy chốc đã được ông phủ kín bởi màu xanh tràn đầy sức sống. “Khi mới đầu tư vào đây, nhiều người còn bảo tôi bị hâm mới mang gà vào rừng đuổi. Bà con vẫn nói vui rằng Nhà nước “giao đất giao giời”, nhiều hộ có đất rừng nhưng khá thờ ơ dẫn đến những khu rừng bị bỏ hoang, trồng sắn, ngô hoặc cũng trồng bạch đàn nhưng kém hiệu quả”, ông Tuân chia sẻ.
Nói về những đóng góp của ông Tuân, bà Nguyễn Thị Ngân - Trưởng thôn Cai Vàng cho biết: Ông Tuân là người hào hiệp, nhiệt tình, sôi nổi và trách nhiệm với địa phương. Từ năm 2000, khi đời sống người dân còn khó khăn, ông Tuân về thôn Cai Vàng mở công ty trồng rừng, tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại đây. Ông còn cho bà con mượn đất trồng ngô dưới tán rừng để có thêm thu nhập. Hơn 20 năm qua, người dân thôn Cai Vàng và xã Đông Hưng luôn ghi nhận sự đóng góp, ủng hộ của gia đình ông Hưng. Những con đường ông trực tiếp làm cũng như ủng hộ kinh phí để xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế.
Là công dân gương mẫu, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, từ năm 2002 đến nay, ông Lê Minh Tuân đã chi ra hơn 10 tỷ đồng cho hoạt động xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường giao thông tại Đông Hưng. Trong đó, riêng giai đoạn 2017 - 2019, khi tỉnh Bắc Giang có chính sách hỗ trợ xi măng, ông đã đối ứng gần 7 tỷ đồng để làm được 16 km đường. Ông tự bỏ tiền túi ra để đền bù giải phóng mặt bằng cho bà con, đồng thời hiến hơn 10 nghìn m2 đất lâm nghiệp để thi công các tuyến đường này.
Không chỉ đóng góp trong công tác làm đường, ông Lê Minh Tuân còn luôn đi đầu trong các phong trào khác tại địa phương như: Ủng hộ hơn 400 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn Cai Vàng (năm 2017); tài trợ gần 600 triệu đồng để xã Đông Hưng xây dựng Nhà thi đấu thể thao (năm 2023) và đóng góp nhiều công sức, tiền của để giúp xã Đông Hưng về đích NTM mới và NTM nâng cao.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ông Lê Minh Tuân, năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ông cũng là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương trong Lễ báo công tại ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên do Huyện ủy Lục Nam tổ chức tháng 5/2023.
Thu Hương