00:00 Số lượt truy cập: 2991045

Người nông dân “có tầm nhìn” 

Được đăng : 06/04/2020

tin-pa1 

Là một trong những gia đình tiên phong trong phong trào trồng cây đinh lăng, gia đình ông Bùi Văn Sớm hiện đang sở hữu 3ha cây đinh lăng - là một trong những mô hình trồng đinh lăng lớn nhất ở xã Hải Quang (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Biết đến cây đinh lăng từ năm 2002, nhận thấy đây là loài cây dễ trồng và mang lại giá trị kinh tế cao, ôngxin được chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng. Vừa trồng cây đinh lăng ông lại giành thời gian đi học cách sấy rễ và củ cây đinh lăng tươi. Sau khi đã có "nghề" trong tay, ông đi khắp nơi tìm mua đinh lăng tươi về sấy bán cho những hiệu thuốc Nam. Tuy nhiên, tình trạng sốt giá cây đinh lăng kéo dài được khoảng 6 năm thì lại rớt giá thảm hại do việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Điều đó đã khiến ông trăn trở để tìm đầu ra bền vững cho cây đinh lăng.

Cuối năm 2014, ông quyết định chuyển sang trồng đinh lăng theo GACP-WHO. Hiện tại gia đình ông đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco, trung bình mỗi năm cung ứng khoảng 100 tấn đinh lăng khô (tương đương 450 tấn đinh lăng tươi). Với giá 20 nghìn đồng/1kg, cung cấp hom giống cho khách hàng, trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi năm, trồng đinh lăng gia đình ông thu nhập ổn định trên dưới 1,5 tỷ đồng.

Cùng với trồng đinh lăng, gia đình ông còn kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2,3 mẫu ao và trồng xen công 1 ha ngô để làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt. Có đầu ra ổn định, ông vận động các hộ dân quanh vùng tham gia trồng đinh lăng để nâng cao thu nhập. Hiện tại ngoài lo tiêu thụ đinh lăng của gia đình, ông còn thu mua đinh lăng tươi cho bà con để sơ chế, sấy khô xuất bán cho Công ty Traphaco... cây đinh lăng không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Trồng cây đinh lăng cho thu nhập cao gấp 5 lần trồng lúa, nhưng không phải ai cũng theo được, vì trồng đinh lăng ít nhất sau 3 đến 4 năm mới được thu hoạch. Ngoài ra, để trồng được đinh lăng phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất, máy móc, hệ thống máy bơm tự động và phải có kiến thức, tâm huyết nếu không hiệu quả sẽ không cao và rủi ro cũng lớn. Ông đã đầu tư hệ thống giàn phun nước tưới tự động giúp giảm bớt sức lao động và chi phí, nâng cao hiệu quả. Được sự hỗ trợ của các cấp Hội, ông còn làm mô hình xử lý và phân loại rác thải sinh hoạt làm phân bón hữu cơ tại hộ bằng thùng ủ và xử lý bằng men vi sinh, nhờ đó lại có thêm nguồn phân bón hữu cơ rất tốt để chăm sóc cây trồng, tiết kiệm được về kinh tế, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Thường xuyên cập nhật thông tin, thời tiết nông vụ, trình độ quản lý, nâng cao trình độ tin học, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào chăn nuôi; đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài tỉnh… Năm 2020, sản phẩm “Củ, rễ đinh lăng sấy khô” của gia đình ông được đăng ký là sản phẩm OCOP.

Hàng năm, tổng thu nhập bình quân từ mô hình sản xuất kinh doanh của ông đạt 1,5 tỷ đồng; luôn duy trì cho 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Trong những năm qua, gia đình ông đã tiếp đón nhiều đoàn khách thăm quan trong tỉnh và ngoài tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm, mô hình trang trại. Với những kết quả trên, ông đã được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2018, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2019 được nhận Giấy khen chủ trại có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020; năm 2020 được nhận Giấy khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 của UBND huyện Hải Hậu.
(Anh Chung)