Các loại máy móc, thiết bị do anh Linh chế tạo, cải tiến: Máy cày, máy kéo… nhiều chức năng giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được nhiều bà con nông dân đánh giá cao, thao tác dễ sử dụng, nhiều tính năng và đặc biệt là giá thành phù hợp.
Vốn đam mê từ nhỏ với thao tác của những chiếc máy cày, máy kéo, máy thu hoạch lúa, nông sản, anh Linh tỏ ra có nhiều năng khiếu trông lĩnh vực sửa chữa, cải tiến chúng. Làm quen, tiếp cận với các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khi mới 14-15 tuổi. Anh Linh cho biết, lúc trước gia đình có sở hữu máy tuốt, thùng phóng, máy cải tiến... Đến thời điểm thu hoạch, các loại máy trên đều hoạt động quá công suất nên bị hư hỏng thường xuyên. Mỗi lần bị hư hỏng, anh Linh tự nghiên cứu, mày mò sửa chữa để máy tiếp tục hoạt động.
Ban đầu từ những hỏng hóc vặt, đơn giản có thể dễ dàng chỉnh sửa, rồi dần đến những ca khó hơn, phúc tạp hơn nhưng anh Linh vẫn quyết tâm tự mày mò, tự nghiên cứu, rồi tự tìm ra phương pháp khắc phục. Rồi tiếp đến việc tìm hiểu nâng cao việc thích ứng với thực địa của các loại máy, cải tiến một số bộ phận tạo công năng phù hợp, nâng cao hiệu quả làm việc cho từng loại máy đã khiến anh trở nên mất ăn mất ngủ, đam mê lúc nào không hay biết.
Để đáp ứng được tay nghề tối thiểu cần thiết như việc hàn, tiện…, trong những lần gia công phụ kiện tại những xưởng cơ khí, anh Linh luôn luôn có ý thức học hỏi kinh nghiệm, anh quan sát kỹ lưỡng cách làm của những người thợ chuyên nghiệp, trao đổi trực tiếp những vấn đề chưa rõ, những điều còn thắc mắc để tù đó hình thành kiến thức, kinh nghiệm cho riêng b ản thân mình.Và khi về anh mạnh dạn trong khâu vừa thực hành, vừa nghiên cứu, để tạo ra những chiếc máy theo ý tưởng của riêng mình.
Theo anh Linh, sản phẩm cải tiến đầu tiên của anh là chiếc máy kéo bánh xích, chiếc máy bánh xích kéo lúa chạy dưới chân ruộng phù hợp hơn chiếc thùng kéo bánh hơi không phù hợp với chân ruộng nước, chuếc máy kéo có thể hoạt động độc lập. Tuy nhiên, do mới tiếp cận công việc nên sản phẩm làm ra có mẫu mã chưa đẹp, còn nhiều khiếm khuyết. Sau nhiều lần cải tiến; sản phẩm tiếp theo đã đáp ứng được nhu cầu khoảng 90% người sử dụng. Và đến chiếc máy thứ 3, bà con đã tin tưởng, đặt hàng nhiều hơn. Chiếc máy kéo được thiết kế có chiều ngang 2,2m, chiều dài 5,4m chuyên dùng kéo lúa ở những vùng đất bùn lầy. Theo anh Linh, 1 chiếc máy có thể kéo 120 bao lúa (mỗi bao từ 45-50kg) một lần kéo, cao hơn các loại máy trên thị trường từ 30-40 bao. Sau khi thu hoạch, có thể gắn bàn xới hoặc ủi vào để phục vụ công việc làm đất cho vụ tiếp theo. Để làm chiếc máy kéo, anh Linh mua động cơ, dây xích, hộp số từ các hãng lớn, sau đó, thiết kế khung sườn, bánh lăng, theo kết cấu mà khách hàng đã đặt. Nhờ vậy, máy có kích thước và độ dày dặn hơn so với các dòng máy kéo trên thị trường.
Từ thành công của chiếc máy này đã tạo tiền đề việc sản xuất các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp theo với giá cạnh tranh, cải tiến và bổ sung nhiều tính năng hữu ích như: máy cày, xới, ủi…. Nhiều sản phẩm của anh đã được bà con nông dân các tỉnh thành miền Nam, miền Trung biết đến và đặt mua. Để làm ra 1 chiếc máy kéo, cần 3 nhân công làm với khoảng thời gian 15 ngày. Giá bán 1 chiếc khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nhân công và mua thiết bị, lợi nhuận còn lại khoảng 7-8 triệu đồng, bình quân mỗi tháng gia đình có thể làm được 2 chiếc máy, thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ dừng lại ở đó, với niềm đam mê sẵn có, mong muốn chế tạo ra những chiếc máy ngày càng cải tiến, giá thành phù hợp giúp đỡ bà con nông dân trong sản xuất. Dự tính trong thời gian tới, anh Linh sẽ cho xuất xưởng sản phẩm mới, một loại máy cày, sử dụng bánh xích với nhiều chức năng, như: ủi đầu, xới, phạt rạ, cuốn rơm, đánh rãnh... Sản phẩm ra đời hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Mai Dương