00:00 Số lượt truy cập: 2988731

Người nông dân đưa đặc sản Bắc Cạn đi xa 

Được đăng : 23/11/2021
Nhờ dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, chị Đinh Thị Tuyết Nhung, giám đốc HTX Nhung Lũy ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã thành công với ý tưởng kinh doanh và đưa các đặc sản của Bắc Kạn đi khắp muôn nơi, góp phần thay đổi đời sống của hơn 100 hộ dân nơi đây.

 

Mặc dù không được sinh ra ở vùng đất Tây Bắc, nhưng trong một dịp đặt chân đến vùng đất Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, chị Nhung đã nhận thấy tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp nơi đây. Chị bàn với chồng đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi lợn tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể với quy mô hơn 250 con lợn thịt và hàng chục con lợn nái sinh sản.

Ngay từ đầu vợ chồng chị Nhung đã xác định chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chất lượng cao nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thịt lợn phụ thuộc nhiều vào thị trường, giá cả bấp bênh, không ổn định. Bởi vậy, chị vẫn luôn trăn trở phải làm ra một loại sản phẩm gì đó để hạn chế tối đa sự phụ thuộc của thị trường. Chị chợt nghĩ đế đến lạp sườn gác bếp, thịt gác bếp, món ăn truyền thống của người dân địa phương có thể để được trong thời gian dài, mà các đặc sản này thường được làm quà biếu vào dịp cuối năm. Từ đó chị Nhung có ý tưởng đưa sản phẩm lạp sườn Tây Bắc trở thành hàng hóacạnh tranh trên thị trường.Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, chị bắt tay vào làm những mẻ lạp sườn, thịt gác bếp đầu tiên, pha chế theo công thức, bí quyết của bà con địa phương tạo ra sản phẩm thơm ngon, hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng.

Thấy được hiệu quả của mô hình này, chị Nhung đã vận động một số bà con cùng nhau thành lập tổ hợp tác với 10 thành viên trong đó có 7 hộ nghèo tham gia. Năm 2018, khi biết đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, chị cùng 7 thành viên quyết định chuyển đổi từ tổ hợp tác lên HTX để hướng tới sản xuất lớn, thực hiện đồng thời các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.Sản phẩm của HTX là các đặc sản truyền thống như: lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, chè giảo cổ lam, mướp đắng rừng, móc mật khô.... Các sản phẩm được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương, được HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nên luôn có chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mang đậm bản sắc của vùng quê Bắc Kạn.Để có chỗ đứng trên thị trường, chị Nhung mang sản phẩm đi đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, làm hồ sơ công bố sản phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

HTX cũng mạnh dạn đem các sản phẩm đặc sản lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia đề án OCOP mỗi xã phường 1 sản phẩm và được đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 năm 2020 và tiếp tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện nay, HTX đang có đàn lợn trên 300 con để đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch và an toàn cho chế biến lạp sườn. Từ khi được gắn thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX cũng đã được các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi biết đến nhiều hơn, giá trị được nâng lên rất nhiều.Đến nay, HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với 8 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền, các đại lý siêu thị ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, có gian hàng trưng bày tại nhiều tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định…

Bên cạnh đó, HTX cũng đang có nhiều sản phẩm khác như chè giảo cổ lam, măng, miến, rau an toàn, hạt mác khén… và hơn 5 ha phát triển nhiều loại rau được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, an toàn lao động, cho giá trị cao.

Đến nay, HTX đã rất phát triển có 19 thành viên chính thức với mức thu nhập hàng tháng khoảng khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để sản xuất có hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu cho HTX với gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập.

Hiện, mô hình sản xuất theo chuỗi của HTX Nhung Luỹ đã cho thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ tâm huyết với sản phẩm mình làm ra, HTX còn thu hút người tiêu dùng bởi tinh thần bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thân thiện, dễ phân hủy.

Bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, chú trọng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản địa phương, HTX Nhung Lũy đang ngày càng hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, cho người lao động tại địa phương, góp phần giới thiệu quản bá các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn với khách hàng cả nước. 

Phúc Nguyên