00:00 Số lượt truy cập: 2990677

Người nông dân tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế trang trại 

Được đăng : 09/09/2020
Về vùng đất nghèo xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, không ai không biết đến ông Trương Đình Thống. Người nông dân dân tộc Thổ này đã có công hồi sinh những đất khô cằn, sỏi đá này. Từ hai bàn tay trắng, bằng lòng đam mê, sự kiên trì, ông mạnh dạn nhận khoán đất rừng, đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng cam, quýt. Đến nay trang trại của ông không những cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm mà còn giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.

trang-trai-chan-nuoi-lon

Mỗi năm trang trại lợn mang lại thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng. 


 Được sinh ra và lớn lên trên vùng quê thuần nông nghèo khó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,4%, ngay từ nhỏ cuộc sống vất vả khó khăn, ông đã sớm ý thức được ý nghĩa của lao động và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống để làm chủ được bản thân và sự nghiệp.Năm 1982 sau khi xuất ngũ trở về địa phương, trong đầu người lính ấy luôn thôi thúc ý nghĩ phải làm gì đó để nâng cao đời sống cho gia đình. Ông đã xoay sở làm ăn bằng nhiều cách: chăn nuôi vịt thời vụ, vịt lấy trứng, dịch vụ xay xát… nhưng đều mang lại hiệu quả không cao.

Cùng lúc đó, xã Nghĩa Long có chủ trương giao đất giao rừng cho các hộ dân, ông đã tiên phong nhận 11ha đất về trồng rừng, thầu 3ha hồ đập của HTX nông nghiệp nuôi cá. Nguồn vốn đầu tư ban đầu vô cùng ít ỏi, 20 triệu đồng chủ yếu từ vốn vay ngân hàng và bạn bè. Những năm đầu, nguồn thu nhập chính của gia đình nhờ vào 3ha hồ đập chăn nuôi cá, hàng năm thu nhập được 10 triệu đồng, đủ trả lãi suất ngân hàng và tiền thuê nhân công. Ông đã tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, dần dần có thêm thu nhập, đủ trả nợ và nuôi con ăn học, đầu tư vào chăm sóc 10ha rừng bạch đàn và keo. Ông luôn trăn trở mỗi năm thu 25-30 triệu đồng thì vẫn chưa thể làm giàu được.

Sau chuyến thăm quan mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, được các cấp chính quyền tạo điều kiện, Hội Nông dân huyện, xã khuyến khích, năm 2006, ông chuyển 1 ha đất trồng cây ăn quả sang xây dựng trại chăn nuôi với quy mô 1.200m2 nuôi 100 lợn nái đẻ, 500 lợn thịt và 3 con lợn đực giống, tổng số vốn 1,2 tỷ đồng. Ông đã đầu tư xây dựng hệ thống bể khí biogas khép kín, dùng chất thải của lợn để làm chất đốt, chạy máy nổ phát điện, sưởi ấm vào mùa đông cho lợn... Mỗi năm tổng thu nhập từ trang trại lợn mang lại cho gia đình ông khoảng 5,6 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi 1,2 tỷ đồng. 

Ông cải tạo 5,5ha đất để trồng cam, quýt. Đến nay, sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn quýt  đã cho thu hoạch. Theo ông Thống cho biết: "Vụ thu hoạch quýt đầu tiên trừ đi các khoản chi phí, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Đến nay, hàng năm gia đình ông thu nhập từ trang trại chăn nuôi và cây ăn quả cho lãi ròng hơn 2 tỷ đồng/năm"; giải quyết việc làm cho hơn 13 lao động địa phương thường xuyên và khoảng 30 lao động thời vụ.

Theo kinh nghiệm mà ông chia sẻ,một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của mô hình kinh tế trang trại ngoài niềm đam mê cần phải mạnh dạn và kiên trì, không thể hôm nay mất mát, ngày mai thua lỗ là có thể bỏ cuộc. Hơn nữa cũng phải luôn nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu của xã hội, biết trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng của địa phương và mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển đa dạng các loại hình sản xuất. Ngoài ra, phải biết cập nhật tin tức về giá cả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình, ông Trương Đình Thống còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách chọn con giống cho các hộ gia đình xây dựng mô hình trang trại VAC và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; hỗ trợ con giống và kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân và dành nhiều thời gian tìm hiểu các phương pháp chăn nuôi kết hợp làm vườn có hiệu quả của những mô hình lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cho hiệu quả kinh tế cao đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế.

Ông Trương Đình Thống là người dẫn đầu cho phong trào phát triển kinh tế trang tại của xã Nghĩa Long và huyện Nghĩa Đàn, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm lời Bác như Thủ tướng Chính phủ đã khen tặng. Ông là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền và đã từng được vinh danh là  Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đan Nguyên