Chị Thoa (mặc trang phục dân tộc) đang giới thiệu về các sản phẩm trà của HTX Suối Giàng
Vốn là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Hải Phòng. Sau khi hoàn thành chương trình học chuyên nghiệp vào năm 1993, chị xin vào làm kế toán của một công ty thương nghiệp ở Yên Bái và được phân công lên vùng đất Suối Giàng này công tác. Lúc ấy nơi đây chưa có đường, chưa có điện, phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy những đồi chè bát ngát giữa đỉnh núi phủ đầy sương.
Rừng chè Shan Tuyết cổ thụ ở Suối Giàng đã có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, người Mông ở đây cũng gắn bó với những cây chè hàng trăm năm nay, sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, cách thu hái, chăm sóc và bảo quản chè tươi của đồng bào Mông vẫn theo truyền thống. Bà con quen bẻ búp chè và cả cành non, bẻ đến bao giờ cành không bẻ được nữa thì thôi, không theo một tiêu chuẩn nào. Không chỉ vậy, bà con vẫn giữ thói quen đốn trụi thân cây chè, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự sinh trưởng cũng như tuổi thọ của cây chè.
Bước ngoặt khiến chị Thoa gắn bó với cây chè là giai đoạn những năm 2006-2007 khi nhà máy chè Suối Giàng hoạt động không hiệu quả, cây chè thu hoạch ra lại bị tư thương ép giá khiến đồng bào rất lo lắng về việc tiêu thụ chè, thậm chí có thời điểm nhiều nơi còn làm giả chè Suối Giàng… chị Thoa đã xin nghỉ việc ở công ty thương nghiệp và cùng với 6 người khác là cán bộ xã thành lập HTX Suối Giàng với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây chè Suối Giàng.
Nhớ lại về những ngày đầu quyết định thành lập HTX, chị Thoa bùi ngùi nhớ lại: Tiền vốn của HTX khi đó do các thành viên góp cổ phần chỉ vỏn vẹn 65 triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phải làm bằng được, chỉ mong giúp người dân tiêu thụ được búp chè tươi, để đồng bào tin tưởng và giữ cây chè quý.
Để vận động đồng bào Mông thay đổi cách thức sản xuất chè truyền thống, việc đầu tiên là chị phải học bằng được tiếng của bà con dân bản để giao tiếp, sau rồi mời mọi người đến cùng chọn lọc chè ngay tại xưởng, hướng dẫn bà con cách thu hái chè, thời điểm thu hái búp chè, cách sao chè đúng quy trình để đạt chất lượng tốt nhất… với cách làm riêng của mình, chị đã vận động và giúp đồng bào H’Mông nơi đây thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, không có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh, bị tư thương ép giá, hiệu quả thấp; chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn hơn và sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phải mất tới 3 năm từ những ngày đầu gây dựng, năm 2010, hoạt động của HTX mới tạm thời ổn định. Tuy nhiên khi đem sản phẩm của HTX đi chào hàng, chè Suối Giàng gần như không ghi dấu ấn với khách hàng. Với nghị lực và tâm huyết với việc gìn giữ, phát triển thương hiệu cây chè Suối Giàng, chị lại tiếp tục mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, các sự kiện văn hóa, tham gia các cuộc thi đánh giá chất lượng trà…
Đầu năm 2016, quần thể 400 cây chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng tiếp tục được công bố là Cây di sản Việt Nam. Tìm lại được thương hiệu, vị thế của chè, chị Thoa tiếp tục cùng với những người yêu trà tìm cách nâng tầm vị thế cho chè Suối Giàng, nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới. Từ chỗ sản xuất sản phẩm trà xanh truyền thống, đến nay HTX đã sản xuất được 4 dòng sản phẩm chủ đạo với thương hiệu "Tuyết Sơn Trà", gồm: Diệp trà, Hồng trà, Bạch trà, và Hoàng trà. Các sản phẩm đều có logo, tem nhãn nhận biết và truy xuất nguồn gốc. Hiện HTX Suối Giàng đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao tỉnh Yên Bái. Tháng 8/2023, sản phẩm OCOP 4 sao là Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác... theo tiêu chuẩn châu Âu đã được xuất khẩu sang thị trường Anh - một thị trường khắt khe, khó tính, có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu nông sản.
Vượt qua bao khó khăn, thử thách, chị Lâm Thị Kim Thoa đã cùng HTX Suối Giàng từng bước đi đến đích thành công, mang thương hiệu trà Shan Tuyết Suối Giàng bay xa đến các thị trường trong nước và thậm chí cả các thị trường nước ngoài khó tính. Với những đóng góp của mình, vừa qua chị đã vinh dự là một gương mặt đại diện của tỉnh Yên Bái nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Phuong Anh