Chị Thơm giới thiệu sản phẩm chanh dây đang sơ chế xuất khẩu
Tình cờ, chị được một người quen ở Lâm Đồng giới thiệu cây chanh dây. Chị nhanh chóng lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây này. Sau đó, chị mua 80 gốc chanh dây ở Lâm Đồng về trồng thử tại rẫy của gia đình, trồng xen trong vườn cà phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sau 5 tháng, vườn chanh dây của chị đã cho thu hoạch, chị Thơm kể.
Thấy cây chanh dây hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, lợi nhuận ước tính cũng khá cao, chị mạnh dạn đầu tư thêm 120 gốc chanh dây trồng xen cây cà phê, hồ tiêu với diện tích hơn 2 ha. Vườn chanh dây của chị được trồng và chăm sóc theo quy trình khép kín, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây phát triển tốt, cho quả to, đều. Khó khăn trước mắt đối với vườn chanh dây của chị là khâu tiêu thụ. Vì tại thời điểm đó, quả chanh dây vẫn là một sản phẩm khá mới lạ so với loại cây trồng truyền thống và chủ lực của địa phương như hồ tiêu và cà phê.
Vừa trồng vừa nghiên cứu áp dụng kỹ thuật, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời vừa tự lên mạng tìm hiểu thị trường tiêu thụ cho trái chanh dây. Năm 2011, chị Thơm tìm được mối mua chanh dây với giá 15 ngàn đồng đồng/kg ở chợ Thủ Đức (TP.HCM). Để dần dần sau đó, chị đã chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các đối tác xuất khẩu chanh dây tới thị trường châu Âu nổi tiếng khó tính như Pháp, thụy Sỹ…
Có được thị trường tiêu thụ tiềm năng, chị Thơm mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích hơn 3ha. Năm 2017, chị Thơm đã thu về hàng tỷ đồng nhờ đưa sản phẩm chanh dây xuất khẩu thị trường Pháp và Thụy Sĩ. Lúc đấy, cơ sở chị có 7 khách hàng ở thị trường này đặt hàng nhưng mới chỉ đủ sản phẩm để cung cấp cho 4 khách hàng.
Để thuận lợi trong việc sản xuất cũng như quảng bá tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Năm 2019, chị Thơm vận động bà con trồng chanh dây ở địa phương thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm nhằm hiện thức hóa ý tưởng đầu tư chế biến, nâng cao giá trị của chanh dây. HTX do chị Thơm làm Giám đốc.
Đảm bảo cho công việc sản xuất và kinh doanh, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm đã ký hợp đồng liên kết với hơn 100 hộ dân và một số HTX ở các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông với tổng diện tích trên 100 ha. Ngoài ra, HTX còn ký hợp liên kết với các hộ dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha tại huyện Mang Yang. "Khi liên kết với HTX, người nông dân sẽ được cung cấp giống, hướng quy trình trồng, chăm sóc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Chúng tôi yêu cầu bà con trồng cây chanh dây phải chuẩn yêu cầu thành phần kỹ thuật chăm sóc cây, kỹ thuật thu hoạch để bảo đảm sản phẩm có mẫu mã tốt, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Bù lại, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ với giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường", chị Thơm chia sẻ.
Cho đến thời điểm hiện nay, mỗi ngày, HTX xuất khẩu hơn 1 tấn quả chanh dây sang 2 nước châu Âu là Pháp và Thụy Sĩ với giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg. Việc xuất khẩu của HTX chủ yếu là ủy thác qua một doanh nghiệp để làm các thủ tục khai hải quan. Nhiều sản phẩm chế biến từ chanh dây như: ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh đây, mứt chanh dây sấy dẻo,bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…cũng được HTX xuất khẩu nhằm đa dạng hóa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí thì HTX thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm từ chanh dây như chanh dây tươi, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh đây, mứt chanh dây sấy dẻo,bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…Trong đó, có 4 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí thì HTX thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.
Mới đây, thông qua kênh thương mại điện tử, HTX đã quảng bá các sản phẩm, chốt được nhiều hợp đồng với khách hàng xuất khẩu cây sả sang Liên bang Nga thông qua việc giới thiệu về dự án mới trên website. Ngoài đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên website và các sàn TMĐT như: Ocopgialai, Lazada, Sendo, HTX còn tạo tương tác trên trang mạng xã hội Facebook.
“Hợp tác xã đang làm hồ sơ tham gia sàn OCOP Việt Nam để quảng bá sản phẩm chanh dây quả đã được chứng nhận OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh và nước cốt chanh dây được chứng nhận OCOP đạt 3 sao. Hiện nay đang là thời của tương tác trực tuyến nên người mua và người bán chỉ cần giao dịch qua mạng. Mọi thông tin về sản phẩm đã được cập nhật đầy đủ trên các sàn TMĐT uy tín”- chị Thơm cho hay.
Với những thành tích đã đạt được cho gia đình và những đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm vinh dự là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Quốc Anh