00:00 Số lượt truy cập: 2989891

Nhà khoa học “chân đất” giúp nâng tầm thương hiệu nông sản Mộc Châu 

Được đăng : 07/06/2021
Anh Mai Đức Thịnh ở Mộc Châu, Sơn La là điển hình của một nông dân dám nghĩ dám làm, anh được người dân địa phương gọi là nhà khoa học chân đất và cái tên thân mật “Vua mận”. Với lòng đam mê kỹ thuật canh nông và chế biến nông sản, anh Thịnh và Hợp tác xã Dịch vụ phát triển Nông nghiệp 19-5.

 

mai-duc-thinh

Anh Mai Đức Thịnh, kiểm tra chất lượng mận sấy dẻo thảo dược.
 

 

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ công tác tại Nông trường quốc doanh Mộc Châu, từ lúc còn đi học, anh luôn ấp ủ ý tưởng đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản cũng như tạo dựng thương hiệu riêng. Đến năm 1987, anh được đi lao động ở Nga, nhờ vậy anh đã tiếp thu được các phương pháp sản xuất, kinh doanh của các nước tiên tiến với hệ thống sản xuất khép kín, tưới ẩm chìm, sản phẩm được đóng gói, bảo quản đúng quy định, có mã vạch, lô-gô bản quyền đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau thời gian bôn ba xứ người, khi đã tích lũy được ít vốn liếng kinh nghiệm, anh quyết định trở về quê hương nơi mình sinh ra để lập nghiệp. Vào những năm đầu thập kỷ 90 trở về trước, anh luôn trăn trở: Quê hương Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, là thiên đường của các loài cây xứ lạnh với đào, lê, mận. Tuy nhiên làm sao để biến Mộc Châu trở thành thủ phủ của những giống cây xứ lạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khi nhiều năm giá cả nông sản bấp bênh, người trồng cây phải mang đi đổ thành đống cho đỡ chua đất vườn. Để trả lời câu hỏi đó, anh Thịnh đã mất rất nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, nỗ lực. Không đành lòng nhìn loại cây trồng lâu năm và có tiếng của địa phương đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ, năm 2000, anhi vận động các hộ dân khác thành lập HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 với 7 thành viên, mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển cây mận.

 Năm 2003, sau khi tham vấn thêm ý kiến của các nhà khoa học, tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nhiều nơi, anh Thịnh quyết định đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật chế biến rượu mận. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm nên anh không tránh được thất bại. Đến năm 2004, mẻ rượu mận đầu tiên được anh Thịnh trưng cất thành công. Tiếp đó, năm 2005, được sự giúp đỡ của chuyên gia người Pháp, anh được tiếp cận với công nghệ chưng rượu cất truyền thống của vùng Midi - pyrene (Pháp). Sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu và tính khả thi để tìm ra hướng đi mới cho quả mận của anh đã giúp anh đặc cách được thực hiện Dự án khoa học công nghệ sản xuất rượu mận của Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Sơn La. Niềm vui đến, khi kết quả của Dự án do anh Thịnh làm Chủ nhiệm đã thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm rượu mận đạt chất lượng tốt, giữ được hương vị đặc trưng, rượu sau khi chưng cất được lọc qua tháp hiệu chỉnh nên tuyệt đối sạch, nồng độ, hương vị và kiểu dáng bình đựng được điều chỉnh theo ý kiến của khách hàng. Sản phẩm rượu mận Mộc Châu đã được tham gia trưng bày, triển lãm tại nhiều Hội chợ trong và ngoài tỉnh; được tặng Huy chương vàng (2006) và Cúp vàng (2007) vì sức khoẻ cộng đồng và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cấp mã số mã vạch.  Sản phẩm rượu mận của HTX đã được khách hàng Pháp và Tổ chức Asodia đánh giá chất lượng ngang với rượu mận Pháp, được đồng ý cho sử dụng logo của vùng sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp là Midi - pyrene để in trên nhãn sản phẩm rượu của HTX và được trưng bày giới thiệu tại quầy hàng tầng 2 của Tháp Eiffel nổi tiếng. Hiện, các sản phẩm chế biến từ mận của HTX đã được bán ra thị trường các nước: Nhật, Anh, Trung Quốc, Mỹ…

Không dừng lại ở đó, để nâng cao năng suất, chất lượng và phong phú thêm các loại cây trồng bản địa, anh đã tiên phong đưa vào trồng thử nghiệm ở Mộc Châu nhiều loại cây lai ghép có chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến. Năm 2015, anh Mai Đức Thịnh là một trong những nông dân được cầm trong tay tấm vé đi học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở Úc. Anh trở về và bắt đầu thử nghiệm lai ghép cây ăn quả ngoại, đầu tiên là giống lê, đào trên ghốc ghép là các loài cây đào, lê dại địa trên đất Mộc Châu. Ngoài việc thành công với giống cây lê ôn đới lai ghép trồng thích nghi trên đất dốc, anh Thịnh cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công, đưa vào sản xuất 4 giống mận, trong đó có 3 giống chín sớm và 1 giống chín muộn so với mận Hậu, 2 giống đào chín sớm hơn đào địa phương, trong đó có 1 giống thịt quả vàng, ngọt đâm, 1 giống quả không lông, thịt quả trắng, thơm, giòn. Một giống lê ôn đới thích nghe tốt, năng suất cao, trái to, ngọt.

Tiếp nối thành công từ việc sản xuất rượu mận, anh Thịnh đã nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ quả mận. Đến nay, HTX 19/5 có 6 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao là mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược; 3 sản phẩm còn lại được xếp hạng 3 sao là rượu mận, rượu mơ, rượu ngô. Các sản phẩm mận sấy sử dụng 100% các nguyên liệu tại địa phương, quá trình chế biến không sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia nên giữ được hương vị tự nhiên của quả mận hòa quyện với vị ngọt mật ong, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX đạt khoảng 10 tỷ. Mỗi tháng, mức lương bình quân của các thành viên và nhân công làm việc ở HTX đạt 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Các khu vực liên kết sản xuất với HTX đạt doanh số 400 – 500 triệu đồng/ha.

Để ghi nhận những thành công và sự trình nỗ lực, nghiên cứu khoa học của anh Mai Đức Thịnh, anh đã được tặng bằng khen làm kinh tế giỏi 5 năm liên tục (2001 - 2006) của UBND tỉnh Sơn La, bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam và của Bộ NN - PTNT về thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn vùng núi.

 

 

 

 

Thanh Bình