00:00 Số lượt truy cập: 2990077

Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường 

Được đăng : 29/01/2024

 

 Ngày 29/1, Hội Nông dân (HND) và Sở Nông  nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị sơ kết dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 3 (từ tháng 4-12/2023)”.


Quang cảnh hội nghị

Bắc Giang là tỉnh duy nhất trong cả nước tham gia dự án giai đoạn 3, với 18 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã gồm: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam). 

Theo đó, mỗi xã xây dựng hai mô hình (tổng diện tích các mô hình trên toàn tỉnh khoảng 2,6 ha). Qua đánh giá, các hộ tham gia đã áp dụng hiệu quả 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường là xử lý rơm rạ đúng cách, bón phân hợp lý và tưới ướt- khô xen kẽ. 

So sánh với mô hình đối chứng, cây lúa được gieo cấy, chăm sóc theo phương pháp thân thiện với môi trường có thân chắc khỏe, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, ít bị đổ, năng suất tăng khoảng 15%. Nhận thấy phương pháp này nhiều ưu điểm, các địa phương tiếp tục nhân rộng gần 280 ha. 


Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế T.Ư HND Việt Nam trao đổi tại hội nghị

Việc triển khai dự án được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ. Cán bộ HND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra thực tế nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn. Mô hình triển khai ở 1-2 hộ, quy mô nhỏ nên dễ chỉ đạo và áp dụng triệt để các kỹ thuật. 

Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, nhân rộng mô hình nhằm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống cho nông dân. Từ đó giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, bảo vệ môi trường. 

Năm 2024, HND tỉnh phấn đấu vận động 150-200 nghìn hộ áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; phối hợp tích cực với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nội dung của dự án, nhất là việc phát triển hạ tầng thủy lợi, xây dựng sản phẩm lúa gạo chất lượng. 

Nhân dịp này, Ban Quản lý Dự án lúa T.Ư trao giấy chứng nhận cho 112 cá nhân là giảng viên nguồn, nông dân nòng cốt có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án.

Ban Quản lý Dự án lúa tỉnh Bắc Giang tặng giấy chứng nhận cho 8 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc; thưởng tiền cho 53 cá nhân đạt cấp độ kim cương 5 sao (theo cách tính điểm của T.Ư HND Việt Nam) trong thực hiện dự án. 

Nguồn Báo Bắc Giang