00:00 Số lượt truy cập: 3040671

Nhiều chính sách của nhà nước đã giúp các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình giảm nghèo bền vững 

Được đăng : 21/08/2023
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

hieu

  Nhiều mô hình, sinh kế trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả 

                       

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới)... Đây là "đòn bẩy" giúp các địa phương nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo.

Huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả giảm nghèo đáng khích lệ nhờ biết vận dụng linh hoạt các chính sách giảm nghèo và sự nỗ lực của người dân. Trong đó phải kể đến xã Lâm Hóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) với một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong xã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo… Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều tại Nghị định của Chính phủ, áp dụng thực hiện cho giai đoạn 2022 - 2025, năm 2022 ở xã Lâm Hóa tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 5%. 

Năm 2023, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng chính sách hỗ trợ cho người nghèo như tập trung giải ngân vốn vay kịp thời; xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Quảng Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã cấp cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ tiền điện cho 16.684 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, tặng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 17.796 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh 16.649 tỷ đồng; ngân sách huyện 266.9 triệu đồng; từ nguồn xã hội hóa 880.2 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Bình cũng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững. Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 57.229 triệu; nguồn ngân sách địa phương đối ứng 8.238 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho 8 huyện, thị xã, thành phố có hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nguồn vốn đúng kế hoạch, tiến độ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên (giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện mới thoát nghèo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 4% trở lên), UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; xác định ý chí, nội lực của chính hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo; lấy sự phát triển của người nghèo làm mục tiêu trong các chương trình, dự án. Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; xây dựng và phát triển đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc vận động nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo… Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giảm nghèo…

 

                                                                                          Trung Hiếu