00:00 Số lượt truy cập: 3040399

Nhiều hộ nông dân Thanh Hóa thu lời hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi giun quế 

Được đăng : 20/09/2023
Hiện nay, mô hình nuôi giun quế ở Thanh Hoá đang giúp rất nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình này để các hộ dân trên địa bàn thực hiện theo, qua đó có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.

 

nuoi-giun-que

Anh Phạm Văn Tỉnh, nông dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa với mô hình nuôi giun quế

 

Theo bước chân của ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) chúng tôi đã gặp anh Phạm Văn Tỉnh (sinh năm 1982)- người đầu tiên của xã Thọ Sơn thực hiện thành công mô hình nuôi giun quế để vươn lên làm giàu.

Theo lời kể của anh Tỉnh, tình cờ anh đọc một bài báo viết về mô hình nuôi giun quế đem lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm và anh đã quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình này để thoát nghèo. Không có vốn, anh đi vay ngân hàng 200 triệu đồng để xây chuồng và mua con giống. Để bắt đầu nuôi giun quế trên mảnh vườn 300m2 của gia đình, anh tìm đấu mối thu mua nguồn phân bò từ một trang trại bò sữa quy mô lớn ở gần nhà để có nguồn phân bò về nuôi giun quế.  

Theo anh Tỉnh, mô hình nuôi giun quế có thể tận dụng được nguồn phân của động vật nuôi và giúp hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, nuôi giun quế sẽ cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm. Từ phân bò sẽ cho ra giun quế làm thức ăn cho cá, tôm, ngoài ra còn thu hoạch được phân hữu cơ để trồng rau an toàn.

Đến nay, sản phẩm giun quế và phân hữu cơ do anh Tỉnh sản xuất đã được bán cho các trang trại chăn nuôi tôm, cá trên địa bàn toàn quốc. Sản phẩm từ giun quế ở trang trại anh rất đa dạng, gồm giun tươi, giun khô, phân hữu cơ...

Hiện trang trại nuôi giun quế của anh đã được mở rộng lên 5.000m2, mỗi năm sản xuất 2 vụ, anh bán giun quế tươi với giá 35.000-40.000 đồng/kg, giun khô 200.000-300.000 đồng/kg, thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, anh cũng bao tiêu các sản phẩm từ giun quế cho 15 trang trại của người dân ở địa phương. Sau khi thu hoạch giun quế anh còn thu về sản phẩm phân hữu cơ để cung cấp cho các nhà vườn làm rau sạch, trồng cây xanh.

Từ một anh nông dân sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, học xong Trung học phổ thông, anh Phạm Văn Tỉnh nhập học khoa Sư phạm hóa học của Trường Đại học Hồng Đức và sau khi tốt nghiệp phải đi làm thuê nhiều nơi để kiếm sống. 

Tuy nhiên, số tiền kiếm được vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm 2008, anh quyết định về quê khởi nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi tại nhà, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Tỉnh đã may mắn tìm được hướng phát triển làm giàu.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Tỉnh cho biết, sẽ kết hợp nuôi lươn không bùn để chủ động đầu ra cho con giun thương phẩm và thực hiện hiệu quả mô hình nuôi lươn nhằm tăng thêm thu nhập. 

Đồng thời, anh Tỉnh cũng giúp người dân quanh vùng có nhu cầu học hỏi, chuyển giao kỹ thuật nuôi giun quế trong sản xuất để giảm nghèo tại địa phương.

Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, (Thanh Hóa) anh Phạm Văn Tỉnh là gương điển hình và đi đầu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. 

Hiện mô hình nuôi giun quế của anh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tốt nhờ liên kết chăn nuôi với anh Tỉnh. Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này để các hộ dân trên địa bàn thực hiện theo, qua đó có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Thanh Hoá mô hình nuôi giun quế tạo được sức lan tỏa lớn, nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh là bởi: Chi phí đầu tư nuôi giun quế không nhiều, trong khi hiệu quả kinh tế lại đạt khá cao. Nếu hộ dân đầu tư nuôi khoảng 30-40m2 giun quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản thì có thể đạt lợi nhuận từ 30 đến 50 triệu đồng/năm.

Trong quá trình nuôi, các hộ nuôi giun quế trên địa bàn tỉnh đã biết kết hợp vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm với nuôi giun quế, tạo một chu trình chăn nuôi kép kín.

Anh Lê Văn Bắc, xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) chủ trang trại nuôi 1.000 con thỏ mỗi lứa, lượng phân từ thỏ thải ra khá lớn. Để giảm thiểu chi phí nhân công dọn vệ sinh và xử lý môi trường, anh Bắc đã mạnh dạn đưa giun quế vào kết hợp với chăn nuôi thỏ.

Để thực hiện ý tưởng này, anh Bắc đã thiết kế chuồng nuôi thỏ cách mặt đất gần 1m, phía dưới là các bể nuôi giun rộng 1,2 - 1,5m chạy dài theo chuồng nuôi. Với cách làm này, chất thải từ thỏ sẽ được thải trực tiếp xuống nền chuồng, sau đó sẽ trở thành thức ăn và tạo thành môi trường lý tưởng cho giun quế phát triển. Nhờ đặc tính phân hủy chất thải tốt, giun quế đã nhanh chóng biến phân thỏ thành phân hữu cơ. Nhờ đó môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể, giúp thỏ nhanh lớn và hạn chế được các bệnh nấm, ghẻ.

Việc chăn nuôi thỏ kết hợp với giun quế không những giúp gia đình anh Bắc giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn có thêm thu nhập ổn định. Ngoài thu nhập từ thỏ, lượng giun quế kết hợp nuôi phía dưới được anh sử dụng một phần để làm thức ăn chăn nuôi gia cầm, giúp tiết kiệm 40% chi phí thức ăn. Lượng giun còn lại được anh bán cho các hộ chăn nuôi và các đại lý kinh doanh mồi câu cá trong tỉnh. Đối với lượng phân hữu cơ có được từ nuôi giun được anh bán cho các nhà vườn, với thu nhập bình quân từ bán giun và phân hữu cơ đạt từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về hiệu quả của việc nuôi thỏ kết hợp với giun quế, anh Bắc cho biết: Trước đây, mỗi ngày anh phải vệ sinh chuồng 3 lần để lấy lượng phân thỏ ra, nhưng từ khi kết hợp với nuôi giun quế thì mỗi tuần anh chỉ thực hiện dọn vệ sinh 1 lần luân phiên các dãy chuồng nuôi để lấy phân và giun. Do đó, giúp anh tiết kiệm được chi phí thuê nhân công dọn vệ sinh.