00:00 Số lượt truy cập: 3040454

Nhiều sản phẩm OCOP gắn vai trò như một “đại sứ” 

Được đăng : 18/09/2023
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.

phandaudennam2025cokhoang400500sanphamocopdat5sao

Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao

 

Hiện có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai, các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được  Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại được Bộ triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương. Bộ phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tham gia các Hội chợ quốc tế tại Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản; tổ chức các diễn đàn/hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP (diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL thương niên, Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP thường kỳ; Triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam,...). Đặc biệt, Bộ và các địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang,... đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, thương mại điện tử... Các hoạt động đã được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả kể trên, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, cụ thể là:

Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn  và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân  văn của vùng, miền, như: Sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao ở vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen Hồng tỉnh Đồng Tháp...

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Chương trình hướng về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, miền núi phía Bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%..

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, bên cạnh những thành tựu nổi bật, sau hơn 5 năm triển khai, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số  địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi  tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng,  mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường…); hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh...

 

                                                                   Tuấn Anh